Kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker

0:00 / 0:00
0:00
Ngành xi măng đang kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker nhằm giúp doanh nghiệp đỡ khó sau khi trải qua năm 2022 kinh doanh trầy trật.
Ngành xi măng đang dư cung, nên rất cần tăng xuất khẩu Ảnh: Đức Thanh

Ngành xi măng đang dư cung, nên rất cần tăng xuất khẩu Ảnh: Đức Thanh

Xin lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker

Mới đây, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời hạn tăng thuế xuất khẩu clinker kể từ ngày 1/1/2023 theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Chủ tịch VNCA, ông Nguyễn Quang Cung cho biết, năm 2022, ngành xi măng cực kỳ khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu cũng sụt giảm nghiêm trọng. Giá than nhập khẩu tăng mạnh khiến sản xuất không hiệu quả. Dự báo năm 2023 còn khó hơn, nếu thực hiện tăng thuế xuất khẩu clinker lên 10% thì doanh nghiệp sản xuất không chịu nổi.

Trước đó, mặt hàng clinker (nhóm 25.23, mã số 2523.10.10 và 2523.10.90) được Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 10%. Riêng đối với mặt hàng xi măng, do không có trong biểu khung thuế nên không chịu thuế xuất khẩu.

Bộ Tài chính lập luận, việc tăng xuất khẩu clinker làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. “Mặt khác, sản xuất xi măng và clinker tại Việt Nam đang sử dụng điện với giá thấp”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Xuất khẩu xi măng, clinker giải quyết được bài toán dư cung, nhưng đi kèm mặt trái là càng xuất nhiều, thì càng gây thâm hụt về tài nguyên, năng lượng và những tác động tới môi trường.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 33 triệu tấn xi măng và clinker, trong đó xuất khẩu clinker đạt 24 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 73%), xuất khẩu xi măng đạt 8,7 triệu tấn (chiếm tỷ trọng 27%).

Năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker của Việt Nam là 108,4 triệu tấn, tăng 8,26% so với sản lượng tiêu thụ của năm 2019. Trong đó, tiêu thụ nội địa 62,7 triệu tấn, tăng 0,95%, xuất khẩu 45,7 triệu tấn.

Đáng nói là, trong tổng lượng xuất khẩu 45,7 triệu tấn, thì xi măng chỉ có 16,8 triệu tấn, còn lại gần 29 triệu tấn là clinker, tỷ trọng vẫn rất lớn.

Xi măng, clinker được sản xuất từ nguyên liệu chính là đá vôi, đá sét và các phụ gia quặng giàu sắt, sử dụng một lượng lớn nhiên liệu là than, điện, đều là các tài nguyên không thể tái tạo. Do đó, có thể chấp nhận việc khai thác một phần nguồn tài nguyên này để phát triển đất nước trong giai đoạn nhất định, nhưng nếu việc này diễn ra kéo dài sẽ gây thất thoát và cạn kiệt tài nguyên.

Nếu phải xuất khẩu, cần ưu tiên cho xi măng, giảm dần lượng xuất khẩu clinker.

“Xuất khẩu clinker sẽ làm giảm ít nhất khoảng 30 - 35% giá trị và các doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi phần giá trị gia tăng của xi măng thành phẩm, đồng thời lãng phí vốn đầu tư do không phát huy hết công suất của hệ thống nghiền xi măng”, Báo cáo ngành xi măng năm 2021 nêu.

Tăng xuất xi măng, giảm xuất clinker

Ở phương án thuận lợi nhất, nếu được Chính phủ đồng ý lùi thời hạn thực hiện thuế xuất khẩu clinker thì đây cũng chỉ là giải pháp mang tính ngắn hạn. Với một ngành sản xuất có quy mô sản lượng đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, với công suất thiết kế các dây chuyền hiện có hơn 110 triệu tấn xi măng/năm, nhưng tiêu thụ nội địa chỉ dưới 65 triệu tấn, dư cung lớn tiếp tục tạo sức ép lớn với các nhà sản xuất.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu là sự lựa chọn gần như duy nhất. Nhưng về lâu dài, để xi măng trở thành lĩnh vực xuất khẩu mang lại nhiều giá trị hơn, không bị gắn mác xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh tỷ lệ xuất khẩu, tăng xuất xi măng và giảm xuất clinker. Khi chuyển sang xuất bán xi măng nhiều hơn, đồng nghĩa thoát được thuế xuất khẩu.

Ông Hà Quang Hiện, Chánh Văn phòng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, doanh nghiệp sẽ nỗ lực đàm phán với đối tác, tập trung mạnh vào các đơn hàng xuất khẩu xi măng để có giá xuất khẩu cao và giảm mạnh xuất khẩu clinker.

Các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu thừa nhận, mục tiêu khi xuất khẩu thì doanh nghiệp nào cũng muốn bán xi măng, nhưng không phải muốn là thực hiện được, còn phụ thuộc vào nhà nhập khẩu và nhiều yếu tố khác. Hơn thế, trong điều kiện dư cung quá lớn như hiện tại, clinker sản xuất ra vẫn phải xuất khẩu, doanh nghiệp không thể dừng lò hoặc cắt giảm sản lượng, thành thử, biết là xuất khẩu clinker giá thấp, nhưng doanh nghiệp vẫn phải bán.

Thông tin từ một doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn với một số nhà máy tại phía Bắc và miền Trung cho hay, giá xuất bán clinker trung bình chỉ 37,5 USD/tấn, trong khi xuất bán xi măng rời khoảng 49-50 USD/tấn.

So với năm ngoái, giá xuất khẩu của năm 2022 có doanh nghiệp tăng được chút ít, nhưng cũng có những nhà xuất khẩu không đàm phán tăng giá được, chấp nhận lỗ do giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, đặc biệt giá than trong năm nay có thời điểm trên 300% so với năm 2020.

Báo cáo ngành xi măng xuất bản hồi đầu năm nay cũng chỉ ra thực tế rằng, việc xuất khẩu nhiều xi măng và clinker chỉ là giải pháp tình thế và có tính thời điểm, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp có vị trí xuất sản phẩm thuận lợi, bởi việc xuất khẩu lợi nhuận không cao do giá bán thấp và chi phí logistics cao.

Tin bài liên quan