Kiến nghị đổi mới cơ chế để thu hút tư nhân đầu tư vào hạ tầng TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn đủ năng lực đầu tư các dự án hạ tầng tại TP.HCM, song cần có cơ chế hỗ trợ thuế và hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau.

Vấn đề này được các doanh nghiệp và chuyên gia đề xuất tại buổi Tọa đàm Doanh nghiệp đồng hành cùng TP.HCM trong phát triển hạ tầng năm 2025 do UBND TP.HCM tổ chức ngày 29/3,

Tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp mới cho việc huy động nguồn lực tư nhân để đầu tư vào hạ tầng bởi vì năm 2025, Thành phố dự kiến huy động 620.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn rất quan trọng từ khu vực kinh tế tư nhân.

Thông tin đến các doanh nghiệp về các dự án Thành phố sẽ thu hút tư nhân tham gia, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong những năm tới Thành phố sẽ đầu tư hệ thống đường sắt đô thị dài 355 km trong 10 năm tới.

Ngoài ra, một loạt các dự án khác như: Cảng quốc tế Cần Giờ, Trung tâm tài chính quốc tế ở Thủ Thiêm, các khu công nghiệp, dự án công viên 500 ha ở Củ Chi; hàng loạt các dự án nhà ở xã hội, xã hội hóa y tế, giáo dục..

Việc thu hút đầu tư các dự án này sẽ góp phần giúp Thành phố tăng tốc phát triển, tăng trưởng hai con số năm 2025. “TP.HCM hy vọng doanh nghiệp có thể tham gia các dự án lớn tại Thành phố", ông Hoan nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, thông tin về các dự án hạ tầng tại Thành phố mà tư nhân có thể tham gia đầu tư

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, thông tin về các dự án hạ tầng tại Thành phố mà tư nhân có thể tham gia đầu tư

Nói về khả năng các doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư các dự án hạ tầng tại Thành phố, ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, Đại Dũng đã tham gia các công trình lớn ở nước ngoài như: tuyến metro tại Nhật Bản hay đường hầm xuyên biển Đức - Đan Mạch.

Ông khẳng định Đại Dũng đủ năng lực thực hiện các công trình tầm vóc tại TP.HCM, như nhà hát, sân vận động hay trung tâm triển lãm.

Ông Dũng tiết lộ kế hoạch, đang thảo luận với các doanh nghiệp lớn trong nước như Hòa Phát, Coteccons, An Phong để đề xuất thành lập liên doanh chuyên đảm nhận các dự án hạ tầng lớn như xây dựng các tuyến metro tại Thành phố.

Liên doanh cũng hướng đến hợp tác cùng các quỹ đầu tư, ngân hàng trong và ngoài nước để hình thành hệ sinh thái đầu tư toàn diện, từ khảo sát, thiết kế đến tổng thầu thi công.

Là doanh nghiệp đang đầu tư nhiều dự án tại TP.HCM, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup xuất 5 nhóm giải pháp giúp Thành phố trở thành hình mẫu chuyển đổi xanh, trong đó triển khai khu vực phát thải thấp từ trung tâm thành phố, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng trạm sạc, chuyển đổi xe giao hàng và taxi sang xe điện, và thí điểm thị trường tín chỉ carbon trong giao thông.

Nêu ý kiến về việc thu hút nguồn vốn tư nhân vào đầu tư hạ tầng, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 dẫn chứng, TP.HCM có thời kỳ cứ 1 đồng vốn nhà nước bỏ ra đầu tư thì kéo được 12 đồng vốn tư nhân vào tham gia đầu tư cùng. Điều đó cho thấy, vai trò đầu tư của doanh nghiệp tư nhân là rất lớn.

Ông Lịch đề xuất mô hình tư nhân đầu tư, nhà nước sở hữu và sử dụng công cộng như dự án cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Chuyên gia này cho biết, mô hình này các nước đã thực hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, để làm được mô hình này theo ông cần có hai nhóm chính sách, đó là hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp và hỗ trợ động viên tinh thần.

Trong đó, ông đề xuất cơ chế khấu trừ thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các công trình công cộng. Theo ông, nếu công trình trị giá 1.000 tỷ đồng nhà nước có thể góp 200 tỷ đồng thông qua khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, phần còn lại doanh nghiệp thực hiện.

“Liên kết được như vậy, nhiều công trình sẽ ra đời mà nhà nước cũng không phải bỏ 1.000 tỷ đồng đầu tư” ông Lịch đề xuất.

Còn hỗ trợ động viên về tinh thần, ông đề xuất khi công trình hoàn thành, cho doanh nghiệp được gắn tên trên công trình để họ thấy mình được vinh danh, có đóng góp cho xã hội.

Đối với việc đầu tư 355 km đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188 của Quốc hội, ông Lịch cho rằng cần có cơ chế để doanh nghiệp Việt tham gia nhằm hình thành ngành công nghiệp đường sắt trong tương lai.

Tin bài liên quan