Kiến nghị của Vinalines đối với VIAC: Đúng luật và hợp lý

Kiến nghị của Vinalines đối với VIAC: Đúng luật và hợp lý

Phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã gây bất lợi cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong vụ tranh chấp thương mại với nhà thầu SK E&C (Hàn Quốc). Vì thế, phía Vinalines đã chỉ ra và kiến nghị sửa đổi những điểm mà họ cho rằng chưa phù hợp, thậm chí là bất hợp lý trong phán quyết của VIAC.

Vinalines được Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư Dự án Xây dựng cảng Vân Phong. Sau gần 3 năm triển khai, do những điều chỉnh trong chính sách đầu tư công của Chính phủ, Dự án Xây dựng Cảng Vân Phong phải giãn tiến độ thực hiện. Vì vậy, chủ đầu tư Dự án cảng Vân Phong đã bị nhà thầu SK E&C (Hàn Quốc) khởi kiện và đòi bồi thường do những thiệt hại phát sinh. Hai bên đã thống nhất giải quyết tranh chấp tại VIAC.

Ngày 4/1/2014, VIAC ra Phán quyết số 28/12 buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc số tiền là 47,93 tỷ đồng và phải chịu phí trọng tài là 573 triệu đồng. Ngay khi phán quyết này chưa được thực hiện, thì ngày 26/2/2014, VIAC tiếp tục ra Quyết định số 65 sửa chữa và giải thích Phán quyết trọng tài số 28/12. Theo đó, thay vì 47,93 tỷ đồng, thì Vinalines lại phải bồi thường cho Công ty SK E&C số tiền lên đến 65,261 tỷ đồng.

Cùng với đó, Vinalines căn cứ vào điểm d, Khoản 1, Điều 294 Luật Thương mại là: “Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”, để cho rằng, họ không phải chịu chế tài thương mại liên quan đến việc dừng gói thầu 6 b1.

Trước vụ việc ngày càng trở nên phức tạp. Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, đồng thời là Trọng tài viên VIAC bên cạnh VCCI.

Thưa ông, khi thực hiện các hợp đồng thương mại, trong những trường hợp nào, bên vi phạm hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm?

Khoản 1, Điều 294 về “Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm”, Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau:

“1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.

Như vậy, Vinalines đã đưa ra một căn cứ miễn trách nhiệm đúng luật và hợp lý.Tuy nhiên, điều này có phù hợp và có được chấp nhận trên thực tế hay không, thì còn phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất cụ thể của vụ việc.

Không chỉ có vậy, Vinalines còn cho rằng “VIAC sử dụng bản photocopy thư trao đổi công việc giữa tư vấn giám sát và giám đốc ban quản lý dự án để làm chứng từ thanh toán tạm”. Theo ông, thì bản sao (photocopy) có giá trị làm tài liệu chính thức để Trọng tài thương mại đưa ra phán quyết hay không?

Bản chính hay bản sao thì đều có giá trị làm tài liệu chính thức để Trọng tài xem xét. Tuy nhiên, việc nó có giá trị chứng cứ và có được chấp nhận làm căn cứ để đưa ra phán quyết hay không thì còn phải dựa vào các yếu tố pháp lý, như bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận hay không, đồng thời có phù hợp với bản chất vụ việc và các chứng cứ khác hay không.

Vậy, trong trường hợp nào và cần phải có thêm những điều kiện gì nữa, thì thư trao đổi công việc giữa tư vấn giám sát và giám đốc ban quản lý dự án được dùng làm chứng từ thanh toán?

Khoản 7, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Kế toán năm 2003 đã quy định như sau: “Chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán”. Như vậy, thư trao đổi công việc giữa tư vấn giám sát và giám đốc ban quản lý dự án khó có thể là chứng từ thanh toán, kể cả chứng từ thanh toán tạm. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nội dung tài liệu đó là gì và các bên có thể thoả thuận cụ thể về việc sử dụng các giấy tờ nào đó để tiến hành một bước trong quá trình thanh toán. 

Trong trường hợp Vinalines nhận thấy phán quyết của VIAC bất hợp lý và gây bất lợi cho họ, liệu có giải pháp hợp pháp nào khác để thay thế nhằm giải quyết tranh chấp hay không, thưa ông?

Theo quy định tại khoản 5, Điều 4 về “Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”, Luật Trọng tài thương mại năm 2005, thì “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”, tức là có hiệu lực thi hành ngay, chứ không giải quyết tiếp theo trình tự phúc thẩm như đối với tố tụng tại Toà án.

Các bên đã lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp, thì cũng không được phép yêu cầu Tòa án xét xử lại vụ án, mà chỉ còn cách thức duy nhất là yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Trong trường hợp Vinalines nhận thấy phán quyết của VIAC bất hợp lý và gây bất lợi cho mình, thì theo quy định tại Điều 68 về “Căn cứ huỷ phán quyết trọng tài” và Điều 69 về “Quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài”, Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phán quyết trọng tài, họ có quyền làm đơn gửi Toà án có thẩm quyền yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, nếu có đủ căn cứ để chứng minh được rằng, Hội đồng Trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp sau:

“a) Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;

b) Thành phần Hội đồng Trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;

c) Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;

d) Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;

đ) Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Một trong những điều khiến Vinalines bất phục là bởi theo họ, VIAC đã chỉnh sửa nội dung phán quyết của chính mình và những nội dung chỉnh sửa lại không phải là lỗi chính tả, lỗi số học. Ông thấy ý kiến của Vinalines thế nào?

Việc này đã được quy định tại Điều 63 về “Sửa chữa và giải thích phán quyết; phán quyết bổ sung”, Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể, Hội đồng Trọng tài có quyền “sửa chữa những lỗi chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai trong phán quyết” và “giải thích về điểm cụ thể hoặc phần nội dung của phán quyết”. Hội đồng Trọng tài cũng có thể “ra phán quyết bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi trong phán quyết”.

Vậy là, về cơ bản, Hội đồng Trọng tài không được phép sửa những nội dung cơ bản của phán quyết, mà chỉ được chỉnh sửa lỗi kỹ thuật và bổ sung phán quyết. Những việc này phải dựa trên cơ sở nhất định và được tiến hành trong một thời hạn nhất định.

Như vậy, Tòa án sẽ phải xem xét ý kiến của Vinalines để đánh giá về việc Hội đồng Trọng tài có tuân thủ pháp luật về các trường hợp được phép chỉnh sửa phán quyết trọng tài hay không.

Tin bài liên quan