Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kiến nghị chuyển đổi xe khách tuyến cố định thành xe buýt

Nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị chuyển đổi loại hình xe khách tuyến cố định từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận, khoảng cách dưới 200 km, thành xe buýt.  

Tại hội thảo quản lý hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định ngày 4/11, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép các xe tuyến xe khách có cự ly dưới 200km, tần suất chạy xe lớn chuyển thành các tuyến xe buýt.

Theo lý giải của ông Quyền, hiện nay nhiều hãng xe khách đang gặp rất nhiều khó khăn và bất lợi khi phải cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác như xe công nghệ, taxi và hành khách đến bến phải chờ đợi lâu mới được đi nên việc chuyển đổi xe khách thành xe buýt là một giải pháp hữu hiệu. 

Tiêu chí phương tiện của xe buýt chạy nội đô và xe buýt đường dài sẽ khác nhau. Luồng tuyến xe buýt xuất phát ở hai đầu bến xe thì không khác hoạt động của xe khách hiện nay, cơ quan chức năng chỉ phải xác định điểm đón trên đường ở đâu, còn nếu doanh nghiệp muốn điểm đầu cuối vượt ra ngoài bến xe thì cần nghiên cứu thêm. 

Kiến nghị này được nhiều doanh nghiệp vận tải đồng tình. Ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Hà, nêu thực trạng, 20 năm qua, tình hình vận tải hành khách chưa bao giờ lộn xộn như bây giờ.

Từ khi Hà Nội đẩy dần các bến xe ra ngoài trung tâm, người dân tiếp cận xe khách rất khó khăn thì họ tìm phương tiện khác thay thế.

Việc này tạo điều kiện cho xe dù, bến cóc phát triển, nhất là xe limousine bùng phát. "Tuyến Thái Bình - Mỹ Đình trước đây có 100 xe khách song bây giờ có tới 600 xe limousine vào Hà Nội mỗi ngày", ông Hà nêu dẫn chứng. 

Theo ông Lưu Huy Hà, những xe khách tuyến cố định có tần suất lớn, cự ly giữa hai điểm dưới 200km nên chuyển sang xe buýt.

Nếu xe buýt được vào sâu trung tâm thì càng phục vụ người dân đi lại tiện lợi, các thành phố và các tỉnh đỡ phải bỏ ngân sách ra bù lỗ cho loại hình này như hiện nay. 

"Nếu xe khách không được chuyển đổi mà cứ hoạt động như hiện nay thì các doanh nghiệp vận tải chết dần", ông Hà nói. 

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cũng nhận định, các doanh nghiệp vận tải hiện nay bỏ bến chạy dù vì bến xe vắng khách.

Trong khi đó, đội ngũ xe limousine núp bóng xe hợp đồng mọc lên nhanh chóng làm cho hoạt động vận tải trở lên hỗ loạn, không thể kiểm soát.

Xe khách và xe buýt đều phục vụ hành khách công cộng nhưng đang có khoảng cách xe về chính sách, như xe buýt được miễn giảm các khoản thuế, bù giá và ưu tiên sử dụng hạ tầng thì doanh nghiệp tuyến cố định gần như không được ưu đãi gì.

Trong khi đó, xe khách phải chịu di chuyển luồng tuyến do phát triển đô thị, nhiều doanh nghiệp đã phá sản vì những thay đổi đó. 

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng, việc phát triển xe buýt đi các tỉnh kế cận thay thế xe khách cần nghiên cứu thêm vì hành khách đi trên các tuyến cao tốc tốc độ cao thì phải tính đến vấn đề an toàn cho hành khách. 

"Có những tuyến xe cố định không phát triển song có tuyến đi Lào Cai, Nghệ An vẫn phát triển tốt, nhiều xe vẫn xin vào bến. Do đó, cần phân tích để có chính sách phát triển hài hòa giữa xe buýt và xe khách dưới 1.000km", ông Tuyển nói. 

Bày tỏ ủng hộ chủ trương "buýt hóa", bà Phan Thị Thu Hiền, Tổng cục phó Đường bộ, cho rằng, chuyển đổi các tuyến xe khách cố định sang xe buýt đang là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp vận tải.

Do đó, bà Hiền đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét các tuyến xe dài khoảng 100km như các xe đi Nam Định, Thái Bình để chuyển thành tuyến buýt.

Đây là giai đoạn ngắn hạn để giải quyết các tồn tại hiện nay của xe khách cố định. Tất nhiên, xe buýt đường dài sẽ có khác biệt so với tuyến xe buýt nội đô thông thường về phương tiện, điểm đỗ, tần suất... 

Tin bài liên quan