Ngân sách 2024: Ước thu tăng, bội chi giảm
Sáng 22/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ hai.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày trước Quốc hội Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027.
Về thu ngân sách Nhà nước năm 2024, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 1.700.990 tỷ đồng; qua thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước thực hiện cả năm đạt 1.873.300 tỷ đồng, vượt 172.300 tỷ đồng; tăng 10,1% so với dự toán, trong đó tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16,5% GDP, riêng từ phí và thuế là 13,1% GDP.
"Cơ bản ước tính các lĩnh vực thu ngân sách đều đạt và vượt dự toán được giao", ông Phớc nhấn mạnh.
Dự kiến có 52 địa phương thu đạt và vượt dự toán, 11 địa phương thu không đạt dự toán. Không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết thì dự kiến có 8 địa phương giảm thu so với dự toán.
Về chi ngân sách nhà nước, dự toán là 2.119.400 tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đầu năm đạt 59,3%; ước cả năm đạt 2.281.700 tỷ đồng, tăng 7,7% so với dự toán.
Về cân đối ngân sách nhà nước, Tờ trình của Chính phủ cho hay, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 là 399.400 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP, ước bội chi cả năm đạt 389.400 tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10.000 tỷ đồng so với dự toán, do giảm chi nguồn vay của ngân sách địa phương.
Chưa xem xét tăng lương năm 2025
Năm 2025, Chính phủ lập dự toán ngân sách nhà nước hơn 1.960.000 tỷ đồng, tăng 15,6% so với 2024. Trong đó, thu nội địa dự kiến khoảng 1.670.000 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với mức thực hiện năm 2024.
Bội chi 2025 dự kiến 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ 34-35% GDP, trong giới hạn Quốc hội cho phép (60% GDP).
Theo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, mức dự toán này là tích cực trong bối cảnh kinh tế xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức. Chính phủ sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển, bố trí đủ nguồn chi lương cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác.
Tuy vậy, theo ông Phớc, thu ngân sách còn rủi ro trong bối cảnh thu khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi rõ rệt, cổ phần hóa chậm; trong khi áp lực chi rất lớn, nhất là các nhiệm vụ cấp bách, dự án quan trọng.
Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng nói thêm rằng, nhu cầu vay năm sau là 800.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay.
Để đảm bảo cân đối ngân sách, Chính phủ kiến nghị năm 2025 chưa xem xét tăng lương hưu, lương khu vực công, trợ cấp ưu đãi người có công.
Quốc hội nghe Chính phủ trình bày các báo cáo về ngân sách sáng 22/10 |
Trước đó, Chính phủ đã bố trí được nguồn thực hiện tăng lương cơ sở năm 2023-2024, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người lao động khu vực công, thực hiện điều chỉnh chính sách với người nghỉ hưu, người có công và các đối tượng chính sách an sinh xã hội.
Do đó, năm 2025, để đủ nguồn chi trả lương cho khu vực công theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, ngoài ngân sách, Chính phủ dự kiến sử dụng 110.000 tỷ đồng từ nguồn tích lũy tiền lương. Theo đó, dự toán chi ngân sách năm sau gần 2,55 triệu tỷ đồng cho nhiệm vụ này.
Tuy vậy, "trong điều hành, Chính phủ sẽ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý bất hợp lý của một số đối tượng, ngành nghề như y tế, giáo dục", ông Phớc nói thêm.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành cơ quan trung ương phấn đấu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm của năm 2025 so với năm 2024 để giảm bội chi ngân sách và tăng chi các nhiệm vụ cần thiết, phát sinh hoặc bổ sung cho chi đầu tư công.
Thẩm tra nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, cơ quan này nhất trí đồng tình chưa xem xét tiếp tục tăng lương khu vực công, lương hưu, các khoản trợ cấp xã hội hàng tháng với người có công trong năm sau.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo ngân sách của Chính phủ sáng 22/10. |
Cơ quan thẩm tra cũng nhất trí cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương để giảm áp lực bố trí từ ngân sách trung ương, khi thực hiện nâng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng. Một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách trung ương, địa phương được dành hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo.
"Cần hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách có tác động giảm thu ngân sách để bảo đảm huy động đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi quan trọng quốc gia", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý.
Về phương án phân bổ ngân sách trung ương, Chính phủ dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển ngoài phạm vi của Luật Đầu tư công. Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung, làm rõ mức bố trí, cũng như căn cứ dự toán với khoản thanh toán, xử lý bù giá của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Năm 2025, Chính phủ dự kiến kế hoạch đầu tư công là 790.727 tỷ đồng. Thống nhất với kế hoạch này, song Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ cần có danh mục dự án cụ thể, bố trí hợp lý, cũng như tăng kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát và chuyển nguồn sang năm sau quá lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị số địa phương bị hụt thu năm nay cần "tích cực tăng thu, giảm chi không cần thiết và dùng nguồn dự phòng để đảm bảo thu ngân sách cả năm".
Ông Mạnh cũng nhìn nhận, hiện còn một số khoản chi ngân sách 2024 chưa được trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ theo quy định. Cơ quan này đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, sớm phân bổ hoặc trình cấp có thẩm quyền để bảo đảm khả năng giải ngân và sử dụng nguồn lực hiệu quả.
"Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong cam kết về tiến độ giải ngân, để tránh lãng phí, thất thoát", ông Mạnh nói.
Trước đó, từ 1/7/2024, khoảng 3,3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng với mức tăng khoảng 15%.
Theo đó, với người hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì được tăng 300.000 đồng. Người có mức hưởng mỗi tháng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu, thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng.
Trợ cấp ưu đãi người có công lên gần 2,79 triệu đồng/tháng; trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng.