Dự án KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 1) có nhu cầu khối lượng cát san lấp dự kiến khoảng 9 triệu m3. Ảnh: Phối cảnh dự án KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 1)
Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
TP. Cần Thơ đang tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp (KCN) nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, thành phố có 13 KCN thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, với diện tích khoảng 7.473 ha.
Trong đó, đến nay có 6 KCN đã thành lập, với tổng diện tích khoảng 987,57 ha gồm 5 KCN đi vào hoạt động (Trà Nóc 1, KCN Trà Nóc 2, KCN Hưng Phú 1, KCN Hưng Phú 2, KCN Thốt Nốt) với tổng diện tích là 697,95 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 317,61 ha tỷ lệ lấp đầy đạt 63%; và 1 KCN đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng là KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 1), với diện tích sử dụng đất của dự án 293,7 ha.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ thành lập mới 7 KCN, với tổng diện tích 6.485,75 ha khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về KCN, gồm: KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 2), KCN Vĩnh Thạnh 2, KCN Vĩnh Thạnh 3, KCN Vĩnh Thạnh 4, KCN Vĩnh Thạnh 5, KCN Cờ Đỏ - Thới Lai và KCN công nghệ cao quận Ô Môn.
Tín hiệu vui là trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng các KCN trên địa bàn Cần Thơ.
Cụ thể, Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ nghiên cứu, khảo sát thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh 2, quy mô 519 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 7.250 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ nghiên cứu, khảo sát thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 2), quy mô 600 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 8.380 tỷ đồng; Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc nghiên cứu, khảo sát thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cờ Đỏ - Thới Lai quy mô 1.070 ha và Khu Công nghiệp công nghệ cao Ô Môn quy mô 250 ha; Công ty cổ phần đầu tư và Thương mại dịch vụ CSC về nghiên cứu thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hưng Phú 1 (cụm B) với tổng mức đầu tư dự kiến 2.900 tỷ đồng; Tổng Công ty IDICO-CTCP nghiên cứu đầu tư dự án hạ tầng KCN dự kiến tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng.
Sớm tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông
Tuy nhiên, hiện nay, một trong những trở ngại lớn cho việc đầu tư phát triển các KCN tại TP. Cần Thơ cũng như các địa phương trong vùng ĐBSCL là tình trạng khan hiếm nguồn cát san lấp mặt bằng các dự án KCN.
Đơn cử như dự án KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 1), diện tích sử dụng đất 293,7 ha, do Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ làm chủ đầu tư, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng, với khối lượng cát san lấp dự kiến khoảng 9 triệu m3. Do các dự án giao thông trọng điểm trong vùng đang đồng loạt triển khai nên dự án này đang thiếu nguồn cung ứng vật liệu cát san lấp. Hiện chủ đầu tư rất khó khăn trong việc tìm nguồn cung.
Vừa qua, tại kỳ họp chuyên đề vào ngày 26/4/2024, HĐND TP. Cần Thơ đã thông qua Nghị quyết Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 1). Theo tờ trình của UBND TP. Cần Thơ, đánh giá thực trạng khan hiếm tài nguyên cát san lấp trong giai đoạn hiện nay, xét về hiệu quả kinh tế xã hội mà dự án đầu tư KCN Vĩnh Thạnh sẽ đem lại…, UBND TP. Cần Thơ nhận thấy cần thiết điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 để làm cơ sở pháp lý cho bước triển khai thực hiện dự án đầu tư.
Trao đổi với phóng viên baodautu.vn, ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, do đặc điểm nền đất Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL vừa yếu, lại thấp, cao độ san lấp hiện nay phải đảm bảo từ 2,7 - 3,1 m, nên nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp rất lớn. Nếu tính tổng nhu cầu cát san lấp cho 7 KCN thành lập mới theo quy hoạch trên địa bàn thành phố là khoảng 80 triệu m3.
Trong đó, chỉ riêng dự án KCN Vĩnh Thạnh (Giai đoạn 2), vừa được HĐND TP. Cần Thơ quyết nghị thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, có quy mô diện tích quy hoạch KCN khoảng 559,86 ha, nhu cầu cát san lấp là khoảng 20 triệu m3 cát.
So với tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho 16 dự án, dự án thành phần giao thông trọng điểm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai thi công giai đoạn 2021-2025 là khoảng 70 triệu m3 thì tổng nhu cầu cát san lấp cho 7 KCN thành lập mới ở Cần Thơ theo quy hoạch (khoảng 80 triệu m3) có khối lượng rất lớn mà nguồn cát sông hiện nay không thể nào đủ đáp ứng.
Mặt khác, tình trạng thiếu cát san lấp không chỉ làm chậm tiến độ thi công hạ tầng KCN, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí đầu tư, bởi suất đầu tư tăng, dẫn đến giá thành cho thuê tăng, từ đó làm giảm mức độ cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp tại KCN. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, do khan hiếm nên đơn giá vật liệu cát tăng cao đột biến (đơn giá dự kiến là 125.000 đồng/m3, nhưng hiện nay giá cát là 280.000 - 300.000 đồng/m3).
Để giải quyết nguồn cung, ông Phạm Duy Tín kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Chính phủ sớm tìm nguồn vật liệu để thay thế cát sông đang khan hiếm; cho thí điểm sử dụng cát biển san lấp hạ tầng KCN, khu kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây cũng là kiến nghị của Khối thi đua các Ban Quản lý KCN, khu chế xuất, khu kinh tế Miền Tây Nam Bộ tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ vào cuối tháng 6/2024.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TP. Cần Thơ, lĩnh vực xây dựng tăng trưởng chủ yếu từ các dự án chuyển tiếp, chưa nhiều dự án mới được khởi công, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu nhất là nguyên liệu cát san lấp, đã đẩy giá cát san lấp tăng cao ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.