Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết ngày 31/3/2024, trong tổng số gần 657.349 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết 625.300 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 215.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 409.800 tỷ đồng.
Như vậy, số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 32.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 9.500 tỷ đồng của 21/44 bộ, cơ quan và 24/63 địa phương, vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.500 tỷ đồng của 25/63 địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 đối với các đơn vị chưa phân bổ chi tiết.
Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân khiến các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ngân sách trung ương năm 2024 chủ yếu là của các dự án khởi công mới, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hằng năm.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, như các dự án chuyển tiếp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công; vốn giao cho các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; vốn giao cho các dự án đang được tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; hoặc là của các dự án đang rà soát, điều chỉnh nội dung đầu tư theo quy định; các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội không còn nhu cầu bố trí kế hoạch vốn năm 2024, do đã được bố trí vốn từ nguồn kế hoạch năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội…
Trong khi đó, vốn nước ngoài không phân bổ hết là do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định; đang trình cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn hiệp định dự án; hoặc là vướng mắc trong trong công tác thẩm định giá thiết bị, cơ chế đấu thầu dự án...
Về vốn giải ngân, dẫn số liệu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 31/3/2024 ước đạt 89.874,751 tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái đạt 10,35%) và tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng).
Trong đó, vốn trong nước là 89.342,002 tỷ đồng (đạt 14,02%kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 532,749 tỷ đồng (đạt 2,66% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tính theo tỷ lệ giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 4 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Tuy nhiên, vẫn còn 38 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó, đặc biệt có 15 bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (tỷ lệ giải ngân là 0%).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Phải kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.