Theo VBMA, để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển theo hướng ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành một số văn bản mới, quy định về một số loại hình giao dịch và hoạt động kinh doanh mới trên thị trường trái phiếu.
Cụ thể, theo Thông tư 234/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương, các ngân hàng thương mại là thành viên giao dịch trái phiếu chính phủ được thực hiện mua bán trái phiếu chính phủ theo hai loại hình giao dịch là giao dịch mua bán thông thường (outright) và giao dịch mua bán lại (repo).
Đến Thông tư 10/2017/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 1/9/2017) của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 234/2012/TT-BTC, tại điểm a và b, khoản 2, Điều 15 đã bổ sung thêm hai loại hình giao dịch trái phiếu chính phủ mới là: giao dịch vay trái phiếu chính phủ để bán và giao dịch bán trái phiếu chính phủ kết hợp mua lại (sell/buy back).
Thông tư 234/2012/TT-BTC cũng như Thông tư 10/2017/TT-BTC đều không quy định về điều kiện, năng lực mà các thành viên giao dịch là ngân hàng thương mại cần phải đáp ứng để được vay và mua bán trái phiếu chính phủ theo hai loại hình giao dịch mới trên. Vậy nhưng, trên thực tế, các ngân hàng thương mại - thành viên chủ yếu trên thị trường trái phiếu - vẫn đang gặp vướng mắc khi tham gia các giao dịch mới này.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, một tổ chức tín dụng chỉ được thực hiện các hoạt động ngân hàng hay hoạt động kinh doanh khác được ghi trong giấy phép hoạt động (bao gồm cả văn bản chấp thuận bổ sung sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Đối với các hoạt động kinh doanh chưa được quy định trong giấy phép, tổ chức tín dụng phải xin văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước để có thể thực hiện hoạt động kinh doanh đó (Điều 4.11 và Điều 90). Như vậy, chừng nào chưa có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại chưa thể tham gia các giao dịch vay trái phiếu chính phủ để bán và bán trái phiếu chính phủ kết hợp mua lại.
Quan điểm được đưa ra từ các thành viên của VBMA, việc triển khai hai loại hình giao dịch mới là vay trái phiếu và giao dịch bán kết hợp mua lại sẽ góp phần tăng tính thanh khoản và đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường trái phiếu chính phủ.
Việc tham gia thực hiện các giao dịch mới này không đòi hỏi các tổ chức tín dụng được phép tham gia giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ phải tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, hay áp dụng quy trình quản lý rủi ro hoàn toàn mới để thực hiện.
Trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy hệ thống cơ quan quản lý cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp phát triển kinh doanh, để tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại tham gia triển khai các nghiệp vụ giao dịch mới này, VBMA đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh trái phiếu chính phủ có quyền được thực hiện các loại hình giao dịch vay trái phiếu và giao dịch bán kết hợp mua lại trái phiếu, mà không cần phải xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Với mục tiêu đưa thị trường trái phiếu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đang tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu theo xu hướng và thông lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể huy động vốn qua thị trường trái phiếu; đa dạng các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và tăng khả năng huy động vốn qua thị trường trái phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm phái sinh trái phiếu phù hợp với nhu cầu đầu tư của thị trường như giao dịch tương lai, giao dịch quyền chọn...
Số liệu được đưa ra từ Bộ Tài chính, quy mô thị trường trái phiếu tính đến ngày 30/6/2017 đạt 39,44% mức GDP năm 2016, trong đó quy mô của thị trường trái phiếu chính phủ tương đương 29,48% GDP năm 2016. Giới đầu tư, kinh doanh trái phiếu kỳ vọng, nếu Ngân hàng Nhà nước sớm gỡ vướng cho các ngân hàng thương mại trong tham gia sản phẩm mới cũng như ban hành văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp phép cho các ngân hàng tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, mở ra triển vọng nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các ngân hàng, góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu chính phủ phát triển sôi động, chuyên nghiệp hơn.