Kiện lãnh đạo đòi bồi thường: cổ đông gặp khó

Kiện lãnh đạo đòi bồi thường: cổ đông gặp khó

(ĐTCK) Vụ việc bức xúc của cổ đông thì nhiều, nhưng số lượng vụ khởi kiện người quản lý rất ít vì việc đòi bồi thường trách nhiệm người quản lý gặp nhiều khó khăn.

Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% cổ phần liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, giám đốc trong các trường hợp không thực hiện đúng quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của HĐQT; hoặc thực hiện trái quy định pháp luật, Điều lệ công ty hoặc Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp Ban kiểm soát không khởi kiện, cổ đông được tự mình đứng ra khởi kiện.

Luật Doanh nghiệp 2014 tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cổ đông khởi kiện khi quy định, cổ đông sở hữu ít nhất 1% cổ phần liên tục trong 6 tháng được tự mình hoặc nhân danh khởi kiện người quản lý và chứng cứ có thể thu thập trong quá trình giải quyết tại tòa án.

Tuy nhiên, thực hiện quyền khởi kiện không dễ dàng với đa số cổ đông. Điều này một phần thể hiện ở số lượng vụ khởi kiện người quản lý rất ít, dù vụ việc bức xúc của cổ đông thì nhiều.

Chẳng hạn, trường hợp tranh chấp giữa cổ đông tổ chức Red River Holdings và người quản lý CTCP Everpia Việt Nam ( Everpia). Cổ đông Red River Holdings cho rằng, Công ty đã ký nhiều hợp đồng với nhà cung cấp có liên quan đến Tổng giám đốc Everpia, nhưng không công bố thông tin. Sự không minh bạch này dẫn đến nghi ngờ về những tổn hại đối với Everpia trong các giao dịch với bên liên quan.

Red River Holdings đã đệ đơn khởi kiện trách nhiệm nhà quản lý Everpia, nhưng quá trình khởi kiện, cổ đông này gặp khó khăn với việc chứng minh các thiệt hại. Cuối cùng, tại thời điểm khởi kiện, Red River Holdings mới chỉ yêu cầu Tổng giám đốc Everpia có trách nhiệm bồi hoàn gần 400 triệu đồng chi tiêu vượt quá thẩm quyền (tăng lương cho chính Tổng giám đốc mà không có quyết định của HĐQT).

Một cổ đông cá nhân cho hay, trong hàng chục năm đầu tư, ông đã nhiều lần gặp trường hợp lãnh đạo công ty hành xử không vì lợi ích chung của công ty, của cổ đông. Có những giao dịch với công ty “sân sau” không được công bố công khai minh bạch, có giao dịch bán tài sản lớn như đất đai, trụ sở nhưng không công khai đơn vị thẩm định giá, không cho cổ đông biết những đơn vị nào quan tâm muốn mua. Tuy nhiên, cổ đông không dễ khởi kiện bởi không thể tìm kiếm các tài liệu, hợp đồng giao dịch để chứng minh.

Như trường hợp tại CTCP Prosimex, rất nhiều cổ đông bức xúc, gửi đơn thư kêu cứu ở nhiều nơi vì cho rằng, Ban lãnh đạo Công ty đã bán tài sản giá trị lớn là quyền sử dụng đất tại ngõ 35 Khương Hạ (Hà Nội). Ban lãnh đạo Công ty khẳng định, chỉ liên doanh với CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (VIDEC) đầu tư xây dựng khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ. Nhưng cổ đông không có tài liệu, không có hồ sơ dự án, hợp đồng liên doanh để làm căn cứ để xem xét trách nhiệm người quản lý.

Theo Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban (Công ty Luật DNAS), dù Luật Doanh nghiệp quy định về trách nhiệm bồi thường của người quản lý nhưng cổ đông gặp nhiều khó khăn khi khởi kiện, bởi không phải cổ đông nào cũng có điều kiện thời gian và tiền bạc để theo đuổi vụ kiện.

Với cổ đông có điều kiện để theo kiện thì việc chứng minh lại không dễ dàng. Theo quy định về tố tụng dân sự, đương sự có nghĩa vụ cung cấp các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Nhưng với lỗi của nhà quản lý, tức là lỗi của những người đang nắm quyền điều hành doanh nghiệp, việc thu thập chứng cứ, tài liệu là rất khó khăn. Về lý thuyết, cổ đông có thể lần theo tài liệu, báo cáo mà công ty phải nộp cho cơ quan chức năng để đề nghị họ cung cấp. Tuy nhiên, với các cơ quan như cơ quan thuế hay ngân hàng, chắc chắn họ sẽ không cung cấp bởi họ có nghĩa vụ bảo mật thông tin khách hàng. Do vậy, việc đòi bồi thường trách nhiệm người quản lý nhìn chung là rất khó khăn.

“Trường hợp dễ chứng minh nhất là người quản lý thực hiện một giao dịch hay ra quyết định trái với quy định pháp luật. Ví dụ quyết định mua một tài sản đang có tranh chấp, đây là rõ ràng quyết định thiếu cẩn trọng, rủi ro có thể thấy trước”, Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban nói.

Theo Luật sư Ban, nhiều trường hợp khi nhìn vào chúng ta thấy rõ ràng giao dịch có tư lợi, nhưng bằng chứng chứng minh thì không có. Việc chứng minh bằng chứng cứ gián tiếp, khi vi phạm ảnh hưởng tới bên thứ ba thì mới xác định được tổn thất như trường hợp một số vụ án ngân hàng.   

Vừa qua, Tòa án nhân dân TP. HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện cổ đông yêu cầu Tổng giám đốc CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) bồi thường trách nhiệm dân sự. Tòa án đã chấp nhận các yêu cầu khởi kiện, buộc Tổng giám đốc STT Kakazu Shogo bồi thường gần 1,5 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm cho rằng, ông Kakazu Shogo đã có quyết định trái pháp luật, dẫn đến Công ty bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy là vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng, tuân thủ pháp luật đối với nhà quản lý đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty. Ông Kakazu Shogo cũng đã di dời trụ sở chính Công ty khi Đại hội đồng cổ đông chưa chấp thuận, trái với Điều lệ Công ty.

Tuy nhiên, bị đơn đã kháng cáo và vụ việc còn chờ xét xử ở cấp phúc thẩm.

Tin bài liên quan