Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào 4 vùng du lịch trọng điểm

Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào 4 vùng du lịch trọng điểm

Là tỉnh trọng điểm về du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển nhanh và bền vững.     

Hàng trăm đồ án quy hoạch du lịch đã được phê duyệt

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh gồm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận. Thị xã Hà Tiên là điểm du lịch quốc gia và định hướng đến năm 2020 trở thành đô thị du lịch văn hóa. Đặc biệt, đối với Phú Quốc, do có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển, đặc biệt là du lịch, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc.

 

Thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai xây dựng một số đề án chuyên đề phục vụ cho phát triển du lịch gồm: Đề án phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể xây dựng, lắp đặt các bảng chỉ dẫn các khu, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ nay đến năm 2020.

Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Kiên Giang, các đề án này đang trong quá trình triển khai. Riêng Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hiện đang xây dựng kế hoạch thực hiện.

Riêng năm 2015, toàn tỉnh đã phê duyệt 23 đồ án quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch, tỷ lệ 1/2.000 với diện tích 6.599 ha và 129 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500, với diện tích 4.316 ha. Trong đó, Phú Quốc đã phê duyệt 19 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 với diện tích 5.542 ha và 111 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 với diện tích 3.512 ha. Các vùng còn lại đã phê duyệt 4 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 với diện tích 1.057 ha và 18 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 với diện tích 804 ha.

"Hệ thống cơ sở vật chất đang được đầu tư, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đã và đang hình thành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong và ngoài nước", ông Dũng nói.

Thúc đẩy phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm

Trước hết là vùng du lịch Phú Quốc. Tỉnh đã xác định được cụ thể diện tích đất các khu, điểm du lịch là 5.096 ha (không kể diện tích thuê rừng, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và diện tích đất du lịch trong các đô thị). Tiến độ triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu, điểm du lịch cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư theo quy hoạch và triển khai xây dựng các dự án du lịch.

Theo đó, đến tháng 5/2015 đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 đạt 96% và tỷ lệ 1/500 đạt 69% so với diện tích đất dành cho phát triển du lịch.

Với vùng du lịch Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận: Đã phê duyệt 2 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 với diện tích 777 ha và 18 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 với diện tích 1.768 ha. Vùng du lịch này còn nhiều khu, điểm du lịch cần tiếp tục thực hiện quy hoạch chi tiết, nhất là ở các đảo để làm cơ sở lập các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay triển khai còn chậm, do chưa có kinh phí để thực hiện, hoặc đã có chủ trương đầu tư giao cho doanh nghiệp đang quy hoạch dở dang, có nơi doanh nghiệp chưa triển khai lập quy hoạch.

Vùng du lịch Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận: Đã phê duyệt 2 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 với diện tích 279 ha và 7 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500 với diện tích 586 ha. Đối với TP. Rạch Giá, việc xác định diện tích đất phát triển du lịch chủ yếu dựa vào quỹ đất phát triển du lịch và dịch vụ theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố, chưa nghiên cứu đề xuất để hình thành các khu, điểm du lịch tập trung, đặc trưng của thành phố. Đối với huyện Kiên Hải và huyện Hòn Đất, còn nhiều khu, điểm du lịch sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch chi tiết.

Vùng du lịch U Minh Thượng và phụ cận: Đã phê duyệt các quy hoạch chi tiết như Khu căn cứ Tỉnh uỷ (gồm cả vùng ngoại vi), Khu hành chính - dịch vụ của Vườn quốc gia U Minh Thượng, Khu trung tâm hành chính - dân cư - thương mại huyện U Minh Thượng và Khu công viên bờ sông Vĩnh Thuận. Các quy hoạch này có kết hợp với phát triển du lịch hoặc bố trí một phần quỹ đất dành cho phát triển du lịch.

Tin bài liên quan