Cảng Hành khách quốc tế Phú Quốc (mô hình)
Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc được quy định tại Quyết định số 80/2013/QĐ – TTg đối với việc đầu tư xây dựng Cảng Hành khách quốc tế Phú Quốc (Cảng Phú Quốc).
Cụ thể, Kiên Giang đề xuất được áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án, bao gồm cả giai đoạn lập dự án hiện do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chủ trì thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, Dự án Cảng sẽ mở ra cửa ngõ, đầu mối quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch bằng đường biển, đặc biệt là từ các tàu biển du lịch siêu sang sức chở có thể lên tới 5.000 khách.
Được biết, do Kiên Giang không có cán bộ chuyên môn chuyên sâu, nên dù Dự án đã được giao cho địa phương đảm nhận chức năng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu lập báo cáo khả thi, đề xuất đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu để UBND tỉnh Kiên Giang triển khai các bước tiếp theo.
Hiện đơn vị tư vấn lập Dự án là Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng – Kỹ thuật biển (Portcoast) đang tranh thủ mùa biển lặng để hoàn tất việc khảo sát. Do các bộ, ngành liên quan đã cơ bản đồng thuận về quy mô, nên Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án áp dụng theo hình thức BT kết hợp BOT này sẽ được hoàn thành trong tháng 1/2015.
“Tỷ lệ vốn góp của ngân sách Trung ương để đầu tư Dự án sẽ được làm rõ sau khi tổng mức đầu tư Dự án được xác định chính xác”, ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết.
Trước đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc (thành viên của Tập đoàn Vingroup) vừa chính thức đề nghị Bộ GTVT và UBND tỉnh Kiên Giang cho phép làm nhà đầu tư Dự án tại thị trấn Dương Đông.
Cụ thể, nhà đầu tư này đề nghị được triển khai xây dựng công trình cảng hành khách có tổng mức đầu tư lên tới 1.275 tỷ đồng, quy mô hiện đại nhất Việt Nam theo phương án kết hợp giữa hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Trong đó, khoảng 70% tổng kinh phí đầu tư cảng biển này được hoàn trả lại cho nhà đầu tư bằng hình thức BT.
Cụ thể, công ty con của Vingroup đề nghị được khai thác 85 ha đất sân bay cũ tại thị trấn Dương Đông để đầu tư khu đô thị mới, thực hiện Dự án tổ hợp du lịch cao cấp trên diện tích khoảng 560 ha tại Bãi Vòng và các dự án có sử dụng đất khác (nếu cần thiết). Khoảng 30% tổng kinh phí đầu tư còn lại sẽ được nhà đầu tư hồi vốn qua việc khai thác cảng biển (hình thức BOT).
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc cũng đề nghị được giao triển khai đồng thời cả dự án cảng biển và các dự án khác nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động về tài chính, giảm chi phí bồi hoàn cho Nhà nước.
“Cơ chế này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai đối với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT trong thời gian gần đây”, bà Võ Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc cho biết tại văn bản gửi Bộ GTVT vào đầu tuần trước.
Như vậy, nếu đề xuất này được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên, một công ty du lịch bỏ tiền đầu tư cảng hành khách theo hình thức xã hội hóa.
Vingroup có nhiều cơ hội được chọn làm nhà đầu tư Dự án, bởi tại cuộc họp bàn phương án xây dựng cảng tàu khách mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ GTVT đã thống nhất mời tập đoàn này triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, với tổng mức đầu tư lớn như vậy mà trông chờ vào nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp hàng năm thì rất khó. Mặt khác, nguồn thu từ hoạt động tàu khách không nhiều, nên chỉ kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT cũng không hiệu quả.