Tăng trưởng GDP 6,7% không phải là nhiệm vụ bất khả thi
Thảo luận tại Quốc hội sau khi Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, khá nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ mối quan ngại khi tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, một mức tăng trưởng khá thấp.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho rằng, theo dự báo của ông, tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6,3%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm nay là 6,7%.
Thực tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV, cũng đã cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%.
“Nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt 6,3 - 6,5%”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.
Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải có niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, đồng hành với Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Tuy nhiên, ngay sau ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập một cuộc họp giữa các thành viên Chính phủ để thảo luận về các kịch bản tăng trưởng kinh tế 2017. Qua đó, một thông điệp nhất quán đã được đưa ra, đó là Chính phủ sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
“Có nhiều cơ sở để Chính phủ nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là có thể đạt được”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều yếu tố thuận lợi. Chẳng hạn, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới là khá tốt.
Còn ở trong nước, tình hình cũng đã có nhiều khởi sắc, như nông nghiệp phục hồi mạnh sau những khó khăn của năm 2016; công nghiệp chế biến - chế tạo có bước tăng trưởng tích cực; dịch vụ tăng trưởng khá, nhất là du lịch đã đạt mức kỷ lục bình quân hơn 1 triệu lượt khách quốc tế/tháng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh; đăng ký doanh nghiệp tăng cao cả về số doanh nghiệp và số vốn…
Đồng quan điểm trên, khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, Chính phủ không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mà nên lấy đó là mục tiêu để phấn đấu.
“Chúng ta có cơ sở để phấn đấu, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân lạc quan. Ông Ngân cho rằng, có nhiều yếu tố khiến chúng ta có thể lạc quan vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, mà ở đó, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.
“Chúng ta vừa có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được xem xét thông qua, hoạt động khởi nghiệp cũng được ủng hộ và tuy có nhiều có ý kiến khác nhau, nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng ngày càng tăng. Đây chính là động lực cho nền kinh tế, bởi khu vực tư nhân hiện đóng góp tới 42% GDP của nền kinh tế”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận rằng, thách thức, khó khăn phía trước còn khá lớn, khi mà tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chưa thể bù đắp được phần thiếu hụt do giảm sút tăng trưởng của ngành khai khoáng, trong đó dầu thô là chủ yếu; nông nghiệp vẫn chưa thực sự bền vững trước tác động của giá cả, thời tiết và môi trường; thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng vốn giải ngân chưa tương xứng…
Chính vì thế, dù có thể tự tin vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, song theo khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vẫn phải “rất cố gắng, phải có giải pháp tốt, có sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của các cấp, các ngành” thì mới có thể đạt mục tiêu đề ra.
“Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải có niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ, đồng hành với Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đâu là lời giải cho bài toán tăng trưởng?
Khẳng định rằng, quan điểm và chiến lược dài hạn của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, nhưng cũng không lãng phí cơ hội và tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh các giải pháp dài hạn như tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, giải quyết các vấn đề liên quan đến các điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu, nợ công… thì Chính phủ cũng đã và sẽ ban hành một loạt giải pháp ngắn hạn.
Một trong những giải pháp đó là tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, như giảm chi phí kinh doanh, tháo gỡ các ách tắc liên quan đến đất đai, hạ tầng, nguồn nhân lực…; đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn đầu tư; tận dụng bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước đang thuận lợi, triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh các ngành chủ yếu của nền kinh tế như nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Dù có thể tự tin vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, song vẫn phải rất cố gắng, phải có giải pháp tốt, có sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ thì mới có thể đạt mục tiêu đề ra
Thông tin từ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, Bộ đang dự thảo một chỉ thị riêng của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng cho từng ngành, từng sản phẩm và đề xuất các giải pháp phù hợp, tùy theo thẩm quyền; Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định và chỉ đạo thực hiện. Hai nhóm giải pháp cụ thể sẽ được quán triệt trong chỉ thị này, dự kiến được ban hành vào đầu tháng 6 tới, chính là các giải pháp dài hạn và ngắn hạn mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vừa đề cập.
Thậm chí, đầu tháng 6 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thành lập các đoàn công tác tới các dự án trọng điểm, các vùng kinh tế trọng điểm để nắm tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp. Nếu vượt thẩm quyền, Bộ sẽ tổng hợp báo cáo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những quyết định cụ thể.
Liên quan tới các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham gia thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội cũng đã nhắc tới chuyện khai thác dầu giảm 3 triệu tấn trong năm nay, cũng như việc “giải ngân vốn đầu tư công chậm”, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Do vậy, các giải pháp quyết liệt sẽ được chỉ đạo để làm sao tăng trưởng kinh tế có thể đạt mục tiêu đề ra.
“Tôi tin tưởng mọi việc sẽ tốt hơn. Tình hình kinh tế tháng 4, tháng 5 thực tế đã tốt hơn quý I. Trừ trường hợp bất khả kháng, hy vọng, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt chỉ tiêu Quốc hội giao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Mặt khác, ở khía cạnh hội nhập quốc tế, cũng phải thấy rằng, nếu chúng ta không phát triển nhanh thì rất khó có thể thu hẹp được khoảng cách phát triển của chúng ta với các nước, nhất là các nước trong khu vực đang có nhiều cải cách và tiến bộ. Họ có thể vượt chúng ta bất cứ lúc nào nếu chúng ta không phấn đấu.
Đối với Việt Nam, một nước đang phát triển, tăng trưởng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn lực để đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo công ăn việc làm cho xã hội, có nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển vền vững, góp phần ổn định xã hội, ổn định chính trị của đất nước.