Việc cơ cấu lại VNR được khởi động từ năm 2016 với mục tiêu hoàn thành việc định hình lại mô hình tổ chức của Tổng công ty vào năm 2020. Ảnh: Đ.T
Sửa lỗi mô hình quản trị
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa ký Tờ trình số 247/TTr-UBQLV đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án Cơ cấu lại VNR đến năm 2025. Đây đã là thứ ba trong 3 tháng trở lại đây, với vai trò đại diện chủ sở hữu VNR - đơn vị duy nhất khai thác, kinh doanh vận tải trên hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, Ủy ban có tờ trình với nội dung tương tự gửi lãnh đạo Chính phủ.
Trong Tờ trình số 247/TTr-UBQLV gồm 102 trang, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã dành phần lớn dung lượng để tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái; giải trình góp ý của các bộ, ngành liên quan với mục tiêu quan trọng nhất là đưa doanh nghiệp này từng bước bù đắp khoản lỗ lũy kế và sửa lại một loạt bất cập về mô hình tổ chức trước khi có thể gánh vác những nhiệm vụ nặng nề hơn trong tương lai.
Được biết, những năm vừa qua, do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty mẹ VNR bị lỗ, dẫn tới số lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 1.995 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.147 tỷ đồng.
Một trong những nội dung quan trọng nhận được góp ý nhiều nhất của các bộ, ngành liên quan chính là phương án cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại VNR đến năm 2025. Tại Tờ trình số 247/TTr-UBQLV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cho phép VNR không tiến hành cổ phần hóa Công ty mẹ VNR và các công ty thành viên trong giai đoạn 2021-2025.
Đối với việc cơ cấu lại, thoái vốn các công ty cổ phần, công ty liên kết có vốn góp của VNR, Ủy ban đề xuất hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành Công ty cổ phần Vận tải đường sắt (Công ty mẹ VNR nắm hơn 80% vốn điều lệ); đồng thời giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm là 77,37%.
Đại diện chủ sở hữu VNR cũng đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức và duy trì tỷ lệ phần vốn góp của VNR nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối trên 51% vốn điều lệ đối với 15 công ty cổ phần đường sắt và 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt.
Trên cơ sở đề xuất của VNR, đại diện chủ sở hữu phần vốn cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đá Đồng Mỏ là 51%, Công ty cổ phần Đá Mỹ Trang là 44,44%, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt là 18,45%.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng không thực hiện thoái vốn đối với các công ty liên kết là Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn và Công ty cổ phần Mặt trời - Đường sắt Việt Nam.
Đối với nội dung này, lãnh đạo VNR cho biết, 2 công ty cổ phần trên đang trong giai đoạn thanh tra hoặc toà án thụ lý đơn khởi kiện. Vì vậy, VNR đề nghị chưa thực hiện thoái vốn các công ty này, tiếp tục đợi kết luận chính thức của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, so với hai đề án được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Chính phủ vào đầu tháng 10/2023 và tháng 12/2023, những nội dung liên quan đến phương án cổ phần hóa, thoái vốn tại Tờ trình số 247/TTr-UBQLV về cơ bản không có thay đổi lớn. Điều này phần nào cho thấy, cả VNR cũng như đại diện chủ sở hữu khá kiên định với mục tiêu, lộ trình và nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp duy nhất Việt Nam hiện nay kinh doanh, khai thác hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia.
Theo lãnh đạo VNR, do thời gian thực hiện Đề án cơ cấu lại không nhiều (chỉ khoảng một năm rưỡi nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II/2024), nên nhiều nội dung liên quan đến sắp xếp, tái cơ cấu Tổng công ty sẽ tiếp tục được đề xuất thực hiện trong Đề án Cơ cấu lại VNR giai đoạn 2026 - 2030 và giai đoạn sau năm 2030.
Cần phải nói thêm, hiếm có đề án cơ cấu lại một tổng công ty nhà nước nào lại có số phận truân chuyên như Đề án Cơ cấu lại VNR. Việc cơ cấu lại VNR đã được khởi động từ năm 2016 với mục tiêu hoàn thành việc định hình lại mô hình tổ chức của Tổng công ty vào năm 2020.
Trên thực tế, VNR đã hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các bộ, ngành và trình Đề án cơ cấu lại tới các cơ quan có thẩm quyền là Bộ Giao thông - Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết thúc giai đoạn 2016-2020, VNR chưa được phê duyệt Đề án cơ cấu lại khiến quá trình “hiệu chỉnh” mô hình hoạt động kéo dài hơn dự kiến.
Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV VNR, mô hình tổ chức của VNR giai đoạn này đã bộc lộ nhiều bất cập, gây ra sự cạnh tranh trong nội bộ; phân tán nguồn lực do chưa thoái được vốn tại một số công ty cổ phần; số lượng lao động lớn nhưng năng suất không cao; một số cơ chế, quy chế quản lý nội bộ chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến VNR mất dần thị phần vận tải hàng hoá và hành khách vào các phương thức vận tải khác, đặc biệt là trên hành lang vận tải huyết mạch Bắc - Nam.
Tích tụ nguồn lực cho nhiệm vụ lớn
Tại Thông báo số 99/VPCN-DMDN ngày 4/1/2024 - một tháng sau khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Tờ trình số 2626/TTr-UBQLV, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu cơ quan này làm rõ sự phù hợp của đề xuất nội dung sắp xếp các doanh nghiệp có vốn góp của Công ty mẹ VNR với Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 7/5/2023 phiên họp thường kỳ tháng 4/2023 và các văn bản liên quan để rà soát đề xuất về sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh của VNR bảo đảm các nội dung trình đúng thẩm quyền của Chính phủ.
Trong quá trình góp ý với nội dung Đề án, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đều cho rằng, VNR cần xây dựng lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sau hợp nhất, nhằm thu hút nguồn vốn tham gia đầu tư và đổi mới chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, hướng tới chuyên môn hóa vận tải hàng hóa và vận tải hành khách theo đúng Kết luận số 49-KL/TU ngày 28/3/2023 về định hướng phát triển giao thông - vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị.
Tại Tờ trình số 247/TTr-UBQLV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban thống nhất với ý kiến của 2 bộ về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình phù hợp giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần Công ty mẹ VNR tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt sau hợp nhất, nhằm tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia thị trường vận tải đường sắt.
Sau khi doanh nghiệp hợp nhất đi vào hoạt động, trên cơ sở đánh giá 1- 2 năm thực tiễn hoạt động, VNR sẽ nghiên cứu định hướng giảm tỷ lệ chi phối của Công ty mẹ VNR tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt; định hướng chuyên môn hóa doanh nghiệp vận tải hàng hóa và doanh nghiệp vận tải hành khách trong quá trình xây dựng Đề án Cơ cấu lại giai đoạn 2025 - 2030.
Liên quan đến tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại 2 công ty cổ phần công nghiệp đường sắt, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An (hiện là 86,85%) và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm (hiện là 77,37%) xuất phát từ 2 lý do chính: định hướng tầm quan trọng và ưu tiên phát triển công nghiệp đường sắt trong phát triển giao thông - vận tải đường sắt; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp đường sắt chưa phục hồi hoàn toàn, khiến việc thoái vốn tại giai đoạn hiện nay rất khó tìm được nhà đầu tư quan tâm.
Theo lãnh đạo VNR, Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm đang quản lý, sử dụng diện tích đất rất lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Trong trường hợp Nhà nước yêu cầu thoái hết vốn tại các công ty này, hoặc thoái vốn dưới tỷ lệ chi phối mà không tìm được nhà đầu tư chiến lược về phát triển công nghiệp đường sắt, sẽ dễ dẫn đến nguy cơ các nhà đầu tư mới tìm cách chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 2 doanh nghiệp nói trên để kinh doanh lĩnh vực khác có lợi hơn.
Như vậy, ngành đường sắt có nguy cơ mất hạ tầng hậu cần kỹ thuật, phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp, sản xuất cơ khí nước ngoài.
Cần phải nói thêm, tại Thông báo số 502/TB-VPCP ngày 12/12/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao VNR chủ động tổ chức công tác chuẩn bị (đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, cơ khí…) để thực hiện quản lý, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao. “VNR sẽ tiếp tục xây dựng phương án tăng năng lực, hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm, qua đó kiến tạo giá trị nội lực cho doanh nghiệp công nghiệp đường sắt trong giai đoạn tới”, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết.