Kiên định nguyên tắc quản trị an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Chứng khoán HSC tiếp tục được bình chọn ở hạng mục quản trị công ty tốt nhất nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn trong cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2021. Nhân dịp này, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc HSC chia sẻ những vấn đề quản trị mà Công ty đã kiện toàn trong năm qua.

Trong năm 2021, HSC đã tập trung vào trụ cột nào trong hoạt động quản trị công ty?

Năm 2021, thị trường đã tăng trưởng mạnh về độ sâu với bình quân giao dịch lên đến gần 27.000 tỷ đồng mỗi ngày, tăng gấp 3 lần so với 2020 và gấp 5 lần so với 2019. Số lượng nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu mới tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh, điều này cũng giống như xu thế đang diễn ra trên thế giới. Điều kiện thị trường như thế đã dẫn đến những lo ngại về cho vay ký quỹ (margin) và nỗi lo bong bóng tài sản.

Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc HSC
Ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc HSC

Trong bối cảnh đó, chúng tôi nhận thấy cần phải chuẩn bị siết chặt các quy định về quản trị rủi ro để có thể ứng phó với các hoàn cảnh thị trường, ví dụ nếu thị trường không ổn thì công ty vẫn ứng phó được, vẫn có sức khỏe tốt và không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Cụ thể, HSC tập trung quản lý hoạt động cho vay ký quỹ, xây dựng danh mục cổ phiếu ký quỹ chất lượng đảm bảo an toàn cho công ty và cho khách hàng. Các quy trình vận hành được chuẩn hóa và giám sát chặt chẽ hơn, không vì điều kiện thị trường bùng nổ mà nới lỏng quy trình mở tài khoản hay nới lỏng quy trình chuyển tiền. Khung quản trị rủi ro được tăng cường hơn khi Tiểu ban quản trị rủi ro trực thuộc Hội đồng quản trị đi vào hoạt động và kiện toàn quy chế về quản trị rủi ro của ban đầu tư, ban tín dụng, quản lý tài sản.

Một xu hướng trong năm 2021 là trái phiếu doanh nghiệp với nhiều vấn đề về chất lượng. HSC chủ trương chỉ tập trung vào trái phiếu chất lượng tốt của các ngân hàng lớn thanh khoản cao.

Ngoài ra, tất cả vấn đề về quản trị rủi ro tại HSC đều được tăng cường hơn trong năm 2021.

Ông nhận định như thế nào nếu như HSC quá e ngại rủi ro và làm quá chặt chẽ thì có thể mất đi tính năng động hay không?

Mặc dù áp lực tăng trưởng theo nhu cầu thị trường, nhưng chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc vàng: “Đảm bảo an toàn vốn cho khách hàng, cổ đông, công ty”.

HSC luôn tuân thủ nguyên tắc vàng “An toàn vốn cho khách hàng, cổ đông, Công ty”.

Chúng tôi luôn định hướng xây dựng thương hiệu HSC trở thành tổ chức tài chính tin cậy nhất trong ngành tài chính chứng khoán, do đó, thị trường lên hay xuống thì HSC vẫn giữ nguyên tắc an toàn của mình. HSC có năng động hay không thì tùy theo từng góc nhìn. Đứng về mặt sản phẩm, HSC vẫn đang dẫn đầu, giá trị cho vay ký quỹ lớn, thị phần giao dịch chứng quyền, hoạt động tạo lập ETF, phái sinh cũng đang ở vị trí dẫn đầu.

Trong bối cảnh cơ cấu giao dịch trên thị trường đã có chuyển động đáng kể, cụ thể là giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM tăng từ 10% lên 20 - 25% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, giao dịch rổ cổ phiếu trong VN30 chiếm 30 - 35% giá trị của HOSE so với tỷ trọng 60% trước đây, nhà đầu tư giao dịch các mã nhỏ nhiều, trong đó có nhiều mã mà chúng tôi không biết là công ty nào…HSC vẫn kiên định với tiêu chí an toàn nên chỉ tập trung vào các mã cổ phiếu của doanh nghiệp mà chúng tôi hiểu rõ là có chất lượng, có giá trị cho nhà đầu tư, tập trung chăm sóc thị phần của mình trong các mã đó thật tốt thay vì chạy đua theo thị phần ở những mã mà mình không biết.

Đối với hoạt động cho vay ký quỹ, cách thu hồi nợ duy nhất là bán cổ phiếu ký quỹ. Vì vậy, khi quản lý sản phẩm cho vay ký quỹ, chúng tôi luôn tìm cách trả lời câu hỏi “làm sao để đòi được nợ?” chứ không phải là “cho vay được bao nhiêu?”. Để bảo đảm các rủi ro được quản trị tốt nhất thì các quy trình vẫn phải chặt chẽ và đảm bảo tính tuân thủ.

Như vậy HSC chấp nhận đi chậm hơn?

Khi di chuyển tiến lên phía trước mà phải nhìn trước ngó sau thì đương nhiên tốc độ cũng có bị ảnh hưởng, nhưng tôi cho rằng, HSC vẫn đang tiến lên phía trước.

Tới thời điểm này, HSC đã chuẩn bị hoàn tất tăng vốn lên 7.500 đồng tỷ vốn chủ sở hữu. Mặc dù hoạt động quản trị rủi ro đã thực hiện rất chặt chẽ, nhưng áp lực cần phải tăng vốn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn. Có thời điểm chúng tôi cho vay chạm ngưỡng quy định gấp 2 lần vốn chủ sở hữu nhưng dù có tăng vốn lên gấp đôi thì vẫn cho vay được hết. Nhu cầu tăng vốn, cả vốn nợ và vốn chủ đều có. Và với uy tín của mình, HSC đã và đang có thể vay vốn tín dụng với lãi suất rất tốt.

Quan trọng hơn hết là khách hàng, cổ đông của chúng tôi vẫn hài lòng với những bước tiến vững chắc của HSC.

Sau hai năm tăng trưởng mạnh, bước sang năm 2022, thị trường được dự báo có rủi ro khi có thể lãi suất tăng, thị trường sẽ biến động mạnh HSC luôn sẵn sàng ứng phó với rủi ro cũng như nắm bắt cơ hội mới khi thị trường sẽ bước vào giai đoạn sàng lọc. Chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ để phát triển khách hàng theo đuổi chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm. Nền tảng giao dịch số myhsc làm tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hiệu quả hoạt động, giảm chi phí vận hành, và đích đến là điều chỉnh chính sách phí giao dịch cạnh tranh trên phân khúc khách hàng đại chúng. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế giảm phí trên thế giới và Việt Nam hiện nay.

Tin bài liên quan