CPI tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua
GDP giảm, ngân sách vẫn cân đối được
Trong phiên họp thường kỳ tháng 1/2015 của Chính phủ cuối tuần qua, giá dầu giảm là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Trong tháng 1, giá dầu giảm liên tục. Chúng ta đã dự báo về năm 2015 và báo cáo Quốc hội khi giá dầu thô được tính với giá bán 100 USD/thùng, nhưng tới giờ này, giá dầu thô chỉ còn 44,41 USD/thùng (ngày 29/1). Cứ giảm khoảng 1,5 triệu tấn dầu thô thì kéo tăng trưởng GDP giảm 0,2%”.
Dù giá dầu giảm rất mạnh, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho rằng, ngân sách vẫn có thể cân đối được, bởi thu từ dầu giảm nhưng chi phí đầu vào cũng sẽ giảm, từ đó kích thích sản xuất, tăng trưởng, tức ngân sách sẽ có nguồn thu mới từ sản xuất để bù đắp phần thiếu hụt từ dầu.
Theo dự báo của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ, giá dầu có thể xuống 42 USD/thùng trong quý I/2015. Do đó, Chính phủ đã thảo luận, phân tích, đánh giá diễn biến, tác động của giá dầu thô thế giới đến nền kinh tế.
“Theo tính toán tổng hợp, giá dầu giảm có lợi nhiều hơn có hại, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,2% vẫn khả thi, ngân sách vẫn cân đối được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu và cho biết, với dự báo giá dầu xuống 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 10.000 tỷ đồng và như vậy, ngân sách hoàn toàn có khả năng cân đối, mà không làm đảo lộn các nhiệm vụ thu chi. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc dự trữ 1-1,5 triệu tấn dầu.
Tập trung lo Tết
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 1, các thành viên Chính phủ đều nhất trí đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan.
Kinh tế vĩ mô tích cực hơn, CPI tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp tăng cao; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng khá, ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tiến độ thu ngân sách ước đạt 9,8% dự toán năm, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI ước đạt 505 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi ước đạt 120 triệu USD, tăng 10%...
Mặc dù CPI giảm tháng thứ 3 liên tiếp, song lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đây không phải là dấu hiệu của sự giảm phát. Nguyên nhân CPI giảm chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới. Ngược lại, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2015 tăng 17,5% so với cùng kỳ…
Trước kết quả khả quan của tình hình kinh tế tháng đầu năm, Thủ tướng chỉ đạo, kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,2%, không để đảo lộn cân đối ngân sách, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 5% trong năm nay.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện... “Năm 2015 phải là năm có tiến bộ vượt bậc về vấn đề này”, Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân dự án, khuyến khích đầu tư xã hội. Riêng NHNN phải tích cực thực hiện các giải pháp để đưa nợ xấu về mức 3%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, nhưng phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không để nợ xấu gia tăng, giữ ổn định tỷ giá.
Riêng trong tháng 2/2015, cũng là tháng Tết, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung trước hết vào công tác chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách, người có công, người lao động gặp khó khăn. Bên cạnh đó, phải thực hiện 8 giải pháp mà Nghị quyết 01/2015/NQ-CP đã đưa ra, trong đó đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, như tăng cường đấu tranh chống buôn lâu, gian lận thương mại; thắt chặt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết; quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm tai nạn giao thông; bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, trước mắt sẽ gia tăng giám sát tại những nơi mua bán thực phẩm, nhất là các chợ đầu mối. Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh tổ chức hướng dẫn, giám sát trên đồng ruộng tại những địa phương cung ứng lương thực, thực phẩm chính cho các đô thị.