Ngành dệt may đang gặp cạnh tranh rất lớn ngay tại thị trường nội địa.

Ngành dệt may đang gặp cạnh tranh rất lớn ngay tại thị trường nội địa.

Kiện bán phá giá tại Việt Nam: Khó trăm bề

(ĐTCK-online) Bên cạnh câu chuyện kinh doanh khó khăn thời khủng hoảng ở các thị trường xuất khẩu, nhiều DN cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ tại chính thị trường nội địa. Một trong những vấn nạn là hiện tượng hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt, bán phá giá do được trợ cấp, khiến ngành sản xuất nội địa điêu đứng. Tuy nhiên, hầu như chúng ta chưa sử dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào để đối phó với những hiện tượng này.

Trên thực tế, DN là người hiểu rõ nhất tình hình trên thị trường và do đó cũng biết về những hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết DN Việt Nam đều lúng túng không biết ứng xử với những hành vi đó như thế nào để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ, chúng ta đã có nhiều văn bản làm căn cứ để các DN có thể sử dụng công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ nhằm tự bảo vệ mình. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2002; Pháp lệnh về chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004. Những văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các pháp lệnh này cũng đã được Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành tương đối đầy đủ. Đây là những công cụ đã được Nhà nước chuẩn bị sẵn để các DN, hiệp hội sử dụng từ trước khi Việt Nam gia nhập WTO với quan điểm rằng, Việt Nam mở cửa tự do thương mại nhưng cũng chuẩn bị sẵn các công cụ cần thiết để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh từ quá trình mở cửa này.

Hội đồng Tư vấn về chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ cho biết, gần đây, một số hiệp hội và DN đã bắt đầu nghĩ đến công cụ này để bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là trong hoàn cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế chúng ta vẫn chưa một lần sử dụng vũ khí tự vệ này.

Có 2 lý do dẫn tới sự bị động trên. Thứ nhất, có DN, hiệp hội đã biết về các công cụ pháp lý như nêu ở trên, nhưng lại không hiểu rõ về những điều kiện, đòi hỏi về pháp lý và thủ tục mà mình cần tuân thủ để có thể sử dụng công cụ này hiệu quả. Thứ hai, pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam được soạn thảo và ban hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản của WTO về vấn đề này (Hiệp định về chống bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định về biện pháp tự vệ). Vì vậy, những điều kiện về thủ tục cũng như nội dung phải đảm bảo những yêu cầu tối thiểu trong các hiệp định này và về cơ bản chúng không dễ đáp ứng nếu không có sự chuẩn bị công phu. Ví dụ, để có thể đi kiện được, ngành sản xuất sản phẩm liên quan phải tập hợp được đủ các nhà sản xuất đại diện cho ít nhất 25% tổng sản lượng sản xuất trong nước của sản phẩm đó. Nếu lợi ích của ngành quá chia rẽ hoặc mâu thuẫn thì không dễ đáp ứng được điều kiện này. Ngoài ra, để theo kiện, nguyên đơn phải tập hợp được đầy đủ chứng cứ, phải có lập luận vững vàng và tham gia suốt các giai đoạn của quá trình tố tụng liên quan. Đây là quá trình phức tạp và khá tốn kém, vì chi phí mà DN, cả ngành phải bỏ ra để có được kết quả có lợi (áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu) không nhỏ.

Trong hoàn cảnh các DN Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, tính cộng đồng chưa đạt được mức độ gắn kết mong muốn, không dễ để đáp ứng những điều kiện trên. Đơn cử, để khởi kiện yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ, nguyên đơn phải cung cấp được các thông tin và bằng chứng về rất nhiều yếu tố, như thống kê về lượng nhập khẩu, giá, biến động của sản xuất trong nước, tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đối với sản xuất việc làm, doanh thu, thị phần, giá của cả ngành sản xuất nội địa. Từng DN, hiệp hội DN khó có thể tập hợp hay có được những thông tin như vậy, nếu không có sự hỗ trợ thông tin từ phía các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Thống kê…).

Khó khăn là vậy, song theo bà Loan, đó không phải là lý do để cộng đồng DN Việt Nam chấp nhận thua thiệt trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu trên chính thị trường nội địa. Trung Quốc, Ấn Độ hiện là hai nước bị kiện nhiều nhất và đi kiện nhiều nhất cho thấy tính cần thiết phải "vừa học, vừa làm" để tự bảo vệ mình.

Một nước nhập khẩu chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ sau khi đã tiến hành điều tra và chứng minh được sự tồn tại đồng thời của các điều kiện sau:

·         Hàng hóa liên quan được nhập khẩu tăng đột biến về số lượng;

·         Ngành sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa đó bị thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại nghiêm trọng và

·         Có mối quan hệ nhân quả giữa hiện tượng nhập khẩu tăng đột biến và thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại nói trên;

·         Việc tăng đột biến lượng nhập khẩu gây thiệt hại nói trên phải là hiện tượng mà nước nhập khẩu không thể lường trước được khi đưa ra cam kết trong khuôn khổ WTO. Trường hợp của Việt Nam, không có ràng buộc hay bảo lưu nào lớn về các biện pháp tự vệ này, do đó việc áp dụng biện pháp tự vệ ở Việt Nam đối với hàng hóa nước ngoài, nếu có, sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO về vấn đề này.