Kiểm tra thuế, doanh nghiệp đang bị “hành”?

Kiểm tra thuế, doanh nghiệp đang bị “hành”?

(ĐTCK) Hoạt động thanh, kiểm tra thuế của các cơ quan quản lý đang chồng chéo, khiến DN cảm thấy bị “hành”. Để khắc phục tình trạng này, các DN kiến nghị nên sớm có cơ chế “dùng chung” kết quả thanh, kiểm tra thay vì mạnh ai nấy làm như hiện nay.

“Thanh tra để thu tiền thì gay lắm…”

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, theo phản ánh của các DN, việc họ phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra thuế với tần suất “dày đặc” đang đẩy DN vào thế đã khó lại càng khó hơn. Sự khó khăn của DN phần nào thể hiện qua con số, trong quý I/2014, có thêm 16.745 DN dừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi con số này trong năm 2013 là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm 2012.

“Chúng tôi nhận được phản ánh của nhiều DN rằng, trong lúc làm ăn khó khăn này, họ phải dành nhiều thời gian, công sức để tìm cửa thoát hiểm, vậy mà vẫn phải dành khá nhiều thời gian cho đón tiếp các đoàn, thanh kiểm tra thuế. Đáng nói là nhiều đoàn vào làm việc với DN là vậy, nhưng nội dung thanh, kiểm tra lại chồng chéo, trùng lắp, nên gây phiền hà cho DN…”, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho hay.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 mới đây, các DN than phiền nhiều về tình trạng chồng chéo trong thanh, kiểm tra thuế giữa Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước... Điều này gây nhiều áp lực cho DN. Để khắc phục tình trạng này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, trong tình hình khó khăn hiện nay, cơ quan thuế cần hạn chế công tác thanh tra đối với các DN, đặc biệt là các DN có truyền thống thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về thuế. Tránh việc thanh, kiểm tra chồng chéo, gây nhũng nhiễu DN. Quá trình thanh, kiểm tra phải có kế hoạch sớm từ đầu năm, có sự phối hợp cùng với các cơ quan khác, nhằm giảm thiểu thời gian, tránh gây phiền hà cho DN…

Là người từng nhiều năm giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, bà Cúc còn nêu lên một khía cạnh đáng báo động khác của hoạt động thanh, kiểm tra thuế. Đó là đang có tâm lý khi thanh, kiểm tra DN thì phải tìm ra sai phạm để thu được tiền vào ngân sách. “Thanh tra kiểu này thì gay lắm”, bà Cúc nói. Lý do là bởi, lẽ ra qua thanh, kiểm tra nếu không phát hiện DN sai phạm, hoặc vi phạm không đáng kể là điều rất đáng mừng, bởi cơ quan quản lý đã thực hiện quản lý thuế hiệu quả, đồng thời DN đã tự giác tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nặng tâm lý đã thanh, kiểm tra thì phải thu được nhiều tiền cho ngân sách. Như vậy mới được coi là có thành tích…

Từ thực tế trên, bà Cúc cũng như một số DN đưa ra một đề xuất đáng chú ý là Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng cơ chế dùng chung kết quả thanh, kiểm tra giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Nghĩa là nếu cùng một nội dung thanh, kiểm tra, mà trước đó có một cơ quan đã thực hiện, thì cơ quan khác sử dụng kết quả thanh, kiểm tra trước đó để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước theo yêu cầu, mà không thanh, kiểm tra lại. Đây là biện pháp cần sớm áp dụng để giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN…

Đúng là thanh, kiểm tra trùng lắp

Lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, đúng là đang có tình trạng thanh, kiểm tra thuế trùng lắp, đồng thời cũng khẳng định thanh, kiểm tra thuế là nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý thuế, là phương tiện phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật thuế và tội phạm nảy sinh trong việc thực hiện pháp luật thuế. Thực hiện Luật Quản lý thuế, việc thanh, kiểm tra thuế theo nguyên tắc rủi ro, phân tích và lựa chọn các DN có rủi ro cao về thuế, để tiến hành thanh, kiểm tra. Những DN chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế thì không lựa chọn để thanh, kiểm tra...

Để giảm thiểu gánh nặng tuân thủ nghĩa vụ thuế cho DN, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Rà soát, bổ sung các quy định pháp lý, để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp, bảo đảm công khai, tạo thuận lợi cho DN.

Tin bài liên quan