> Công ty kiểm toán "làm bậy" sẽ chịu "bản án" nặng từ thị trường
Trong tuần qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức Hội nghị thường niên giám đốc các công ty kiểm toán. Đây là dịp để cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp kiểm toán và các công ty kiểm toán tổng kết hoạt động của ngành trong năm cũ và thảo luận những giải pháp phát triển ngành.
Báo cáo tổng kết hoạt động của ngành kiểm toán độc lập năm 2012 được VACPA tổng hợp từ báo cáo của 147/155 công ty kiểm toán cho thấy, trong năm qua, ngành kiểm toán độc lập đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu 24,7%, đạt 3.799 tỷ đồng; trong đó, doanh thu dịch vụ kiểm toán BCTC chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 57% (đạt 2.147 tỷ đồng); nộp NSNN 587 tỷ đồng. Số DN, tổ chức tìm đến các dịch vụ của các công ty kiểm toán tăng xấp xỉ 5% so với năm 2011, đạt con số 32.702 khách hàng.
Những vấn đề tồn tại của ngành kiểm toán độc lập, đặc biệt là về chất lượng dịch vụ cũng được đưa ra phân tích tại Hội nghị. Theo phản ánh của các công ty kiểm toán, việc tồn tại nhiều văn bản không thống nhất, chưa cụ thể và (đôi khi) chưa phù hợp với thực tế, các thông tư hướng dẫn ban hành chưa kịp thời đã gây không ít khó khăn cho kiểm toán viên trong quá trình hành nghề. Bộ Tài chính nên có cơ chế soạn thảo và ban hành chuẩn mực kế toán Việt Nam thường xuyên, nắm bắt kịp thời thay đổi của chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và tập trung chức năng ban hành chuẩn mực kế toán, hướng dẫn về kế toán vào Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán để đảm bảo sự đồng nhất giữa các DN. Vấn đề kiểm toán đối với các đơn vị có lợi ích công chúng cũng được lãnh đạo các công ty kiểm toán quan tâm đặc biệt, bởi tính chất nhạy cảm với thị trường và những rủi ro nghề nghiệp rất khi thực hiện kiểm toán cho các đơn vị niêm yết.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập, đặc biệt là hướng dẫn về kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng, nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ ban hành quy định về đánh giá sai sót, vi phạm của công ty kiểm toán, kiểm toán viên và mức độ xử lý đối với từng loại vi phạm hoặc sai sót khi kiểm toán BCTC công ty niêm yết, công ty đại chúng.
Tại dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán mới được đưa ra lấy ý kiến công chúng, Bộ Tài chính đã dành mục riêng để quy định về chế tài xử phạt đối với những vi phạm trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đơn vị có lợi ích công chúng. Tuy nhiên, trong khuôn khổ dự thảo Nghị định, chỉ tập trung quy định chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hồ sơ đăng ký tham gia kiểm toán cho đơn vị lợi ích công chúng; hành vi vi phạm quy định về tính độc lập... Điều 28, Dự thảo có quy định chung về mức phạt với hành vi thông đồng, móc nối với đơn vị được kiểm toán để làm sai lệch tài liệu kế toán, BCTC, hồ sơ kiểm toán và báo cáo sai lệch kết quả kiểm toán.
Việc thiếu quy định cụ thể về đánh giá sai sót, vi phạm của công ty kiểm toán, kiểm toán viên và mức độ xử lý vi phạm khi thực hiện kiểm toán DN niêm yết có thể là nguyên nhân khiến sai sót trên báo cáo kiểm toán vẫn tái diễn, nhưng số vụ xử phạt lại rất ít. Trước mùa kiểm toán BCTC 2012, cơ quan quản lý đã có khái quát về nhiều “sai sót thường gặp” trên BCTC của các DN niêm yết, trong đó, có cảnh cáo về những cú “bắt tay” làm sai của kiểm toán và DN, nhưng tất cả cũng chỉ ở dừng mức độ… cảnh cáo.
Nhìn lại các trường hợp kiểm toán viên vi phạm quy định về chuẩn mực kế toán, kiểm toán cũng như các quy định liên quan trên đến hành nghề, việc xử phạt cũng được tiến hành khá chậm trễ. Đầu năm 2012, UBCK ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các kiểm toán viên Nguyễn Hồng Quang (Công ty TNHH BDO Việt Nam), Nguyễn Phương Lan Anh (Công ty Kiểm toán Mỹ AA), Nguyễn Thị Phấn, Tô Đình Hoài (Công ty Kiểm toán và kế toán Hà Nội), Nguyễn Diệu Trang (Công ty TNHH Dịch vụ tài chính kế toán và kiểm toán) đều do những sai phạm trong việc lập báo cáo kiểm toán BCTC các năm 2009, 2010. Nghĩa là những sai phạm này đã diễn ra 1 đến 2 năm. Với những trường hợp công ty kiểm toán, kiểm toán viên bị phát hiện vi phạm các quy định về đăng ký hành nghề cũng như vi phạm chuẩn mực nghề nghiệp trong đợt kiểm tra chất lượng do VACPA thực hiện hồi cuối năm 2012, tới đầu tháng 7 này, Bộ Tài chính mới có quyết định xử phạt.