Để mô hình kiểm toán nội bộ đạt hiệu quả, đòi hỏi vai trò và tư duy quản trị tích cực của HĐQT doanh nghiệp

Để mô hình kiểm toán nội bộ đạt hiệu quả, đòi hỏi vai trò và tư duy quản trị tích cực của HĐQT doanh nghiệp

Kiểm toán nội bộ: Thêm một bộ lọc rủi ro cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Dự thảo Nghị định về kiểm toán nội bộ đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét ban hành. Theo đó, kiểm toán nội bộ sẽ là một bộ phận bắt buộc đối với các công ty niêm yết và một số loại hình doanh nghiệp.

Dự thảo quy định, đối với các đối tượng mà pháp luật chuyên ngành có quy định phải tổ chức kiểm toán nội bộ thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành. Những nội dung mà pháp luật chuyên ngành không có quy định thì vận dụng theo Nghị định để tổ chức kiểm toán nội bộ.

Riêng các tổ chức tín dụng, việc tổ chức và hoạt động kiểm toán nội bộ thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng, các văn bản hướng dẫn Luật do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Nhiều quy định chặt chẽ

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, kiểm toán nội bộ được nhiều doanh nghiệp quan tâm, trong khi mô hình quản trị này đã được áp dụng phổ biến trên thế giới từ lâu. Không ít doanh nghiệp vẫn còn nhầm lẫn chức năng của kiểm toán nội bộ với Ban Kiểm soát và bộ phận Tài chính.

Thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra những đảm bảo mang tính độc lập và khuyến nghị liên quan đến các nội dung về kiểm soát nội bộ của đơn vị đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp, nhằm xử lý các rủi ro của đơn vị; các quy trình quản trị và quản lý rủi ro của đơn vị mang tính hiệu quả và có hiệu suất cao; đơn vị đạt được các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác.

Đây sẽ là một kênh kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt; kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán.

Kiểm toán nội bộ còn có nhiệm vụ phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.

Bộ phận kiểm toán nội bộ bao gồm kiểm toán viên nội bộ, là người thực hiện công tác kiểm toán nội bộ của đơn vị và có đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Trưởng kiểm toán nội bộ: Là người thực hiện công tác kiểm toán nội bộ của đơn vị và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm theo tiêu chuẩn quy định. Trợ lý kiểm toán nội bộ là những cá nhân làm việc trong bộ phận kiểm toán nội bộ chưa đủ tiêu chuẩn là kiểm toán viên nội bộ thì được thực hiện nhiệm vụ kiểm toán với vị trí là trợ lý kiểm toán nội bộ.

Để có thể tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ một cách hiệu quả, có 2 đặc tính quan trọng nhất. Một là, đảm bảo tính độc lập, cụ thể, tổ chức và hoạt động của kiểm toán nội bộ độc lập với bộ phận được kiểm toán. Trưởng kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ, trợ lý kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ. Đơn vị phải đảm bảo rằng, kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo và đánh giá.

Hai là, tính khách quan, bộ phận kiểm toán nội bộ, trưởng kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ, trợ lý kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.

Để đảm bảo tính độc lập và khách quan, ngăn ngừa sự thiếu công bằng, định kiến và xung đột lợi ích, Dự thảo Nghị định đưa ra các quy định khá chặt chẽ.

Chẳng hạn, trưởng kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ, trợ lý kiểm toán nội bộ không thực hiện kiểm toán đối với quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình mà mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đó;

Trưởng kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ, trợ lý kiểm toán nội bộ không có những xung đột về quyền và lợi ích kinh tế với đơn vị, bộ phận được kiểm toán;

Trưởng kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ, trợ lý kiểm toán nội bộ không được thực hiện kiểm toán đối với đơn vị, bộ phận mà người điều hành đơn vị, bộ phận đó là người có liên quan của mình;

Trưởng kiểm toán nội bộ, kiểm toán viên nội bộ, trợ lý kiểm toán nội bộ không được tham gia kiểm toán các hoạt động, các bộ phận mà mình chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động, hoặc quản lý bộ phận đó trong thời hạn 3 năm kể từ khi có quyết định không thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó;

Phải có biện pháp kiểm tra nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan của hoạt động kiểm toán nội bộ ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán tại đơn vị, bộ phận được kiểm toán và trong giai đoạn lập, gửi báo cáo kiểm toán;

Các ghi nhận kiểm toán trong báo cáo kiểm toán nội bộ phải được phân tích cẩn trọng và dựa trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu thập được để đảm bảo tính khách quan. Đặc biệt, kết quả thực hiện nhiệm vụ của trưởng kiểm toán nội bộ phải được cấp quản lý trực tiếp của nhân sự này thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá...

Theo Dự thảo Nghị định, các công ty niêm yết là đối tượng bắt buộc phải thực hiện việc tổ chức bộ phận kiểm toán nội bộ.

Thách thức tính tuân thủ

Không thể phủ nhận tính tính cực của quy định trên khi được thực thi tại Việt Nam, đặc biệt là với các công ty niêm yết, vốn mang tính quan trọng đối với công chúng đầu tư cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, theo quan điểm của giới chuyên môn, nếu Nghị định được ban hành mà chưa có sự chuẩn bị, sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Khó khăn đầu tiên khi triển khai quy định này là thách thức về nguồn nhân lực. Theo Dự thảo, kiểm toán viên nội bộ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn như có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ; đã có thời gian từ 5 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo, hoặc từ 3 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác, hoặc từ 3 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hay thanh tra; có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.

Với trưởng kiểm toán nội bộ, ngoài các tiêu chuẩn như đối với kiểm toán viên nội bộ, còn phải có bằng đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngân hàng, luật.

Trường hợp không có bằng đại học thuộc một trong các chuyên ngành nêu trên, thì phải có chứng chỉ kiểm toán nội bộ do tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kiểm toán nội bộ cấp, hoặc chứng chỉ chuyên gia kế toán, hoặc chứng chỉ kiểm toán viên của các tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính thừa nhận; có thời gian từ 5 năm trở lên làm việc thực tế về kiểm toán, kế toán, tài chính, kiểm soát hoặc thanh tra.

Khó khăn thứ hai là các yếu tố để đảm bảo tính khách quan, độc lập của bộ phận kiểm toán nội bộ. Là bộ phận ăn lương của doanh nghiệp, nhưng lại có chức năng ”vạch lá, tìm sâu” các bộ phận khác, thậm chí là cả Ban điều hành. Liệu họ có đủ bản lĩnh và thực sự được trao quyền để đảm bảo đúng chức năng của mình?

Nhìn ra hoạt động của các Ban Kiểm soát trong các doanh nghiệp đại chúng để thấy, đây là vấn đề vô cùng thách thức tại Việt Nam. Chức năng của Ban Kiểm soát là giám sát, phản biện lại HĐQT, Ban điều hành, nhưng thực tế cho thấy, hầu hết đều bị vô hiệu hóa, tổ chức "cho có" để đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.

Nói về vấn đề này, theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC, thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định, để mô hình đạt hiệu quả, đòi hỏi vai trò và tư duy quản trị tích cực của HĐQT các doanh nghiệp, cụ thể hơn chính là những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp. Nếu họ không ủng hộ và không hoạt động thực sự vì quyền lợi doanh nghiệp (không phải vì quyền lợi của những cổ đông bầu dồn phiếu cho họ), mô hình này có tổ chức cũng khó phát huy tác dụng.

Hỗ trợ thông lệ quản trị tốt

Dù có nhiều thách thức, nhưng nếu Dự thảo Nghị định được xem xét thông qua, cùng với Nghị định 71/2017/NĐ-CP về quản trị công ty đã có hiệu lực, sẽ là cơ sở quan trọng khuyến khích các doanh nghiệp đại chúng tại Việt Nam triển khai mô hình quản trị công ty "kiểu mới".

Cụ thể, từ khi Luật Doanh nghiệp 2015 ra đời và có hiệu lực, Việt Nam đã thừa nhận và đưa vào Luật (Điều 134) mô hình quản trị công ty một cấp, mà phần lớn các quốc gia trên thế giới đang áp dụng, đó là không có Ban Kiểm soát.

Với mô hình này, chức năng giám sát được chuyển về HĐQT, xoá bỏ Ban Kiểm soát. HĐQT sẽ có sự tham gia của các thành viên độc lập, có uy tín và năng lực chuyên môn, đặc biệt là về kiểm soát và kiểm toán. Thông lệ tốt nhất trên thế giới về quản trị công ty được khuyến nghị là Chủ tịch HĐQT sẽ là thành viên độc lập và nắm giữ vai trò chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm toán. Uỷ ban này trực thuộc HĐQT, có tính độc lập cao, quản lý trực tiếp bộ phận kiểm toán nội bộ của công ty, thực hiện chức năng giám sát HĐQT và Ban Giám đốc. Khi đó, các thành viên độc lập, Uỷ ban Kiểm toán và kiểm toán nội bộ có đầy đủ quyền lực, có nguồn lực và vị thế độc lập để thực hiện tốt vai trò giám sát của mình.

Tại Việt Nam, đã có Vinamilk tiên phong áp dụng mô hình này kể từ sau Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017. Rất có thể từ mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, sẽ có thêm các doanh nghiệp triển khai thông lệ quản trị đang rất mới tại Việt Nam, nhưng đã phổ biến từ rất lâu trên thế giới này.

Tin bài liên quan