Ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành VI, Kiểm toán Nhà nước cho biết như vậy tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán năm 2015 diễn ra vào cuối tuần qua.
Theo ông Tuấn, sở dĩ có việc chuyển giao chậm là do giữa SCIC và các cơ quan chủ quản của doanh nghiệp thiếu sự phối hợp và thống nhất. Trong quá trình tái cơ cấu, việc chưa tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn và chức năng quản lý đã dẫn đến nhiều vướng mắc, khó khăn.
Tính đến 31/12/2014, đã có 319 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp được sắp xếp lại, đạt 52% kế hoạch. Số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo giá trị sổ sách đã được thoái là 11.329 tỷ đồng, thu về 16.346 tỷ đồng, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách. Song, việc thực hiện Đề án còn chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra về tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC chậm; hiệu quả sản xuất – kinh doanh tại một số doanh nghiệp chưa cao...
Trong năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quán đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước của 234 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty niên độ 2014. Kết quả cho thấy, có 5 đơn vị thua lỗ như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ hơn 3.400 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ 471 tỷ đồng, Tổng công ty Mía đường lỗ 15 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công nghiệp (Vinaincon) lỗ 131 tỷ đồng... Các đơn vị còn lại có lãi, bảo toàn được vốn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có lợi nhuận sau thuế là 43.800 tỷ đồng, Mobifone lãi 5.000 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi 4.300 tỷ đồng, Tổng công ty Cảng hàng không lãi 2.500 tỷ đồng, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lãi 1.200 tỷ đồng.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu kém trong công tác quản lý tại các tập đoàn, Tổng công ty. Kiểm toán Nhà nước đã điều chỉnh tăng một số chỉ tiêu tổng tài sản, nguồn vốn, doanh thu, thu nhập, lãi trong công ty liên doanh, liên kết, lợi nhuận. Các tập đoàn, tổng công ty bị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu truy thu thuế với tổng số là 6.200 tỷ đồng. Trong đó, PVN bị yêu cầu truy thu 4.500 tỷ đồng, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP. HCM (Hfic) là 758 tỷ đồng, Habeco là 210 tỷ đồng, Mobifone là 201 tỷ đồng.
Tổng hợp từ các cuộc kiểm toán cho thấy, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi.
Một số tập đoàn, tổng công ty quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, tồn kho lớn, ứ đọng, chậm luân chuyển; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng quy định; sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định.
Nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Tại Vinalines, 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được trong năm 2014 chỉ bằng 0,46% vốn đầu tư. PVN đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông. Tổng công ty Dầu Việt Nam đầu tư vào nhiều doanh nghiệp, nhưng chỉ được chia cổ tức 1,73% giá trị đầu tư, trong khi phải trích lập dự phòng đến gần 2.000 tỷ đồng do 14 doanh nghiệp mà tổng công ty này đầu tư có lỗ lũy kế. EVN chỉ được chia cổ tức bằng 0,75% giá trị đầu tư dài hạn. COMA cũng chỉ được chia lợi nhuận từ các công ty còn bằng 1,05% vốn dầu tư; trong đó 6/10 công ty con thua lỗ, 4 công ty mất vốn chủ sở hữu (COMA3, COMA7, COMAEL, Khóa Minh Khai).
Một số tập đoàn, tổng công ty chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất. CTCP Mía đường La Ngà có tới 334 héc-ta đất đang tranh chấp. Tổng công ty Lâm nghiệp có hơn 3.400 héc-ta đất, Hapro có 0,9 héc-ta, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn có 42,5 héc-ta... xảy ra tranh chấp.
Công tác giám sát tài chính tại một số đơn vị còn hạn chế, còn tình trạng người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ; việc xử lý tài chính của doanh nghiệp cổ phần hóa còn sai sót; một số đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đúng đắn.
Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn 1.854 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.518 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 44 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 68 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 1.494 tỷ đồng; các khoản thuế và phải nộp NSNN tăng 6.220 tỷ đồng.