Kiểm toán Nhà nước ra kết luận xong, để đấy!

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính hàng trăm ngàn tỷ đồng, song trên thực tế, tỷ lệ đơn vị được kiểm toán chấp hành kết luận của KTNN chưa cao.
Kiểm toán Nhà nước ra kết luận xong, để đấy!

Số liệu mới nhất được KTNN công bố trong tháng 7 này cho biết, hầu hết doanh nghiệp (DN) được kiểm toán trong năm 2013 (niên độ kiểm toán năm 2012) vẫn còn diễn ra tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí tính thuế, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN phải nộp; xác định chưa đầy đủ và kịp thời tiền thuế sử dụng đất phải nộp, với số tiền vi phạm tài chính mà KTNN buộc các DN phải nộp thêm vào ngân sách nhà nước gần 2.868 tỷ đồng. Trong đó, 32 tập đoàn kinh tế nhà nước phải nộp vào ngân sách 1.843,6 tỷ đồng.

Còn tại các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, KTNN đã phát hiện ra sai phạm tài chính khá lớn khi kiểm toán tại 425 đơn vị ở cả Trung ương lẫn địa phương. KTNN đã kiến nghị các đơn vị này phải nộp vào ngân sách nhà nước 134,42 tỷ đồng do hạch toán chi phí không đúng chế độ, vượt định mức, thu nhiều khoản ngoài quy định, không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế, phí.

Đó là chưa kể, nhiều đơn vị thuộc một số bộ, ngành còn thu vượt định mức quy định về phí, lệ phí, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chẳng hạn, KTNN phát hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2012 thu vượt học phí 38,808 tỷ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM thu vượt học phí 12,2 tỷ đồng; Đại học Quốc gia Hà Nội thu vượt học phí 8,266 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng KTNN cho biết, từ những kết quả đạt được trong công tác kiểm toán năm 2013, năm nay, KTNN tiếp tục tập trung đánh giá công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, trong đó đặt trọng tâm vào phân tích cơ cấu các khoản thu ngoài quốc doanh, thu tiền sử dụng đất; công tác quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công; quản lý và sử dụng nguồn thu từ học phí, viện phí và tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nhìn nhận những gì mà KTNN đã làm được trong 20 năm qua, tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2014), người đứng đầu ngành KTNN thẳng thắn thừa nhận, quy mô kiểm toán đã tăng nhiều trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý tài chính, tài sản quốc gia; chất lượng và tiến độ kiểm toán còn khoảng cách so với yêu cầu; hiệu lực kiểm toán chưa cao, nên việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán  chưa đầy đủ, kịp thời và chưa thực sự nghiêm minh… Đặc biệt, tỷ lệ kiểm toán hoạt động còn hạn chế, nên chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm.

“Trong thời gian tới, KTNN nâng cao một cách toàn diện năng lực, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán; kết hợp nhuần nhuyễn kiểm toán báo cáo tài chính với kiểm toán tuân thủ, đồng thời đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; từng bước nâng cao hiệu lực pháp lý, giá trị báo cáo kiểm toán và tăng cường kiểm toán báo cáo chuyên đề đối với việc quản lý, điều hành vĩ mô tài chính, tài sản công”, ông Vạn nhấn mạnh.

Hiệu lực kết luận của kiểm toán (tỷ lệ đơn vị được kiểm toán chấp hành kết luận của KTNN) không cao và việc đẩy mạnh kiểm toán hoạt động là vấn đề được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hết sức quan tâm. Theo bà Ngân, muốn nâng cao hiệu lực kết luận của kiểm toán, không có cách gì khác là KTNN phải khách quan, trung thực và chính xác khi đưa ra kết luận, kiến nghị xử lý tài chính hay xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý tiền, tài sản nhà nước.

“Muốn vậy, bản thân KTNN phải tự nâng cao năng lực hoạt động, coi kết luận của mình như là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”, bà Ngân phát biểu.

Tin bài liên quan