Trả lời câu hỏi về việc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 9.000 tỉ đồng, ông Trần Hải Đông, Trưởng đoàn kiểm toán dự án này, cho hay nguyên nhân là do quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn đến trong quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí.
Cùng với đó là do bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật; việc bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ thực hiện kéo dài, dẫn đến chi phí nhân công vật liệu tăng cao…
Khi dự án tăng vốn, chủ đầu tư chưa báo cáo Chính phủ để xem xét báo cáo, xin chủ trương của Quốc hội. Khi phân tích tính kinh tế của dự án, chủ đầu tư chưa xem xét về chi phí vận hành vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến việc đánh giá về hiệu quả kinh tế không chính xác.
Quá trình lập dự án đầu tư còn một số tồn tại phát sinh như thỏa thuận phương án kiến trúc, phê duyệt điều chỉnh dự án, tiến độ bàn giao mặt bằng chậm. Ngoài ra, quy định về hồ sơ thiết kế giữa VN và Trung Quốc có khác biệt, dẫn tới thời gian thiết kế, thẩm tra, thẩm định phê duyệt... cũng bị điều chỉnh nhiều lần.
Một nội dung khác cũng gây chú ý tại buổi họp báo là thông tin về việc Chính phủ đề nghị kiểm toán giá điện vào năm sau. Theo ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng KTNN, năm 2018, KTNN không tiến hành kiểm toán các cơ sở tính giá để điều chỉnh giá điện của Tập đoàn điện lực VN (EVN) mà chỉ kiểm toán báo cáo tài chính của ngành điện lực song chưa có đủ cơ sở để kết luận về giá điện.
Hơn nữa, trước đó, vào cuối năm 2016, kiểm toán đã tiến hành kiểm toán chuyên đề về giá điện và kết luận đã được công bố. Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra rõ về vấn đề giá điện và chuẩn bị có kết luận một cách đầy đủ, chuẩn xác.