Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ nhưng VEAM (VEA) vẫn muốn chuyển sang HoSE

0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM, mã VEA, UPCoM) công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, đại hội dự kiến tổ chức ngày 24/6 bằng hình thức trực tuyến.

Kế hoạch lợi nhuận đi lùi năm 2022

Theo đó, trong năm 2022, VEAM đặt kế hoạch Công ty mẹ với doanh thu 641,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.498 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giai đoạn 2022-2026, Công ty dự kiến kết quả kinh doanh hợp nhất với doanh thu tăng trưởng trung bình 10%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 5%.

Kế hoạch năm 2022 của VEAM (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022).
Kế hoạch năm 2022 của VEAM (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ năm 2022).

Trong năm 2022, Công ty tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc chính; thu hồi công nợ; phương án giải quyết tồn kho của Nhà máy ô tô VEAM; phương án kinh doanh xe Changan và máy kéo ISEKI và các tồn tại, vướng mắc khác.

Về hoạt động đầu tư, Công ty tìm kiếm những nhà sản xuất nước ngoài có uy tín về ngành công nghiệp hỗ trợ, máy nông nghiệp, ô tô để xem xét việc hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm máy nông nghiệp, ô tô, công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng phát triển tại Việt Nam và Khu vực. Tiếp tục tập trung đầu tư mở rộng sản xuất đối với các đơn vị chiếm tỷ trọng cao về doanh thu sản xuất công nghiệp; nâng cao năng lực sản xuất tập trung vào các lĩnh vực như tạo phôi, gia công cơ khí các sản phẩm có thế mạnh …

Về cổ tức, hiện tại, Bộ Công Thương đang xin ý kiến Bộ Tài chính về việc chấp thuận phân phối lợi nhuận năm 2021 của VEAM. HĐQT VEAM trình cổ đông ủy quyền cho HĐQT thực hiện việc phân phối lợi nhuận năm 2021 theo ý kiến của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Được biết, Công ty dự kiến chia cổ tức với tổng số tiền 5.365,24 tỷ đồng, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận khoảng 4.038 đồng.

VEAM muốn chuyển sàn sang HoSE

Một nội dung đáng chú ý, VEAM tiếp tục trình cổ đông kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Được biết, năm 2021, ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch niêm yết trên sàn HoSE nhưng công ty chưa thực hiện do chưa đáp ứng đầy đủ quy định vì vậy Công ty tiếp tục trình kế hoạch niêm yết trên HoSE.

Được biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là ý kiến Kiểm toán ngoại trừ đối với Báo cáo tài chính năm 2021 của VEAM. Cụ thể, cơ sở ngoại trừ của Kiểm toán đối với Báo cáo tài chính năm 2021:

Theo Kiểm toán viên: “Tại thời điểm 31/12/2021 (thời điểm kết thúc năm tài chính), VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi các khoản hỗ trợ vốn cho các công ty con, quá hạn thanh toán 165,5 tỷ đồng”.

Kiểm toán cũng cho biết: “Thời điểm 31/12/2021, VEAM trích lập dự phòng giảm giá tồn kho là 223,9 triệu đồng trong tổng giá trị hàng tồn kho tồn động, chậm luân chuyển với giá trị 133,75 tỷ đồng”.

"Tại thời điểm ngày 31/12/2021, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị là 364,5 tỷ đồng (bao gồm 356,9 tỷ đồng là chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của Công ty Matexim), đang được thể hiện là tiền trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang", trích ý kiến Kiểm toán.

Kiểm toán nhấn mạnh không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng thích hợp liên quan tới 3 khoản mục nêu trên và đây chính là cơ sở đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, VEAM ghi nhận doanh thu tăng 16,7% lên 1.139,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 2,3% lên 1.479,1 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 13,6% về còn 12,6%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 8,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 10,99 tỷ đồng lên 143,81 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 5,9%, tương ứng giảm 11,05 tỷ đồng về 175,69 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 6,9%, tương ứng tăng thêm 7,74 tỷ đồng lên 119,2 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 3,1%, tương ứng tăng thêm 139,4 tỷ đồng lên 1.321,6 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về lợi nhuận cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2022, VEAM ghi nhận 22,13 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,56 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Như vậy, thực tế hoạt động kinh doanh cốt lõi đóng góp không đáng kể lợi nhuận của Công ty mà lợi nhuận chủ yếu đến từ lãi công ty liên doanh, liên kết và hoạt động đầu tư tài chính.

Được biết, tính tới 31/3/2022, VEAM đang sở hữu 30% vốn tại Công ty Honda Việt Nam; 20% vốn tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; 25% vốn tại Công ty TNHH Ford Việt Nam. Trong những năm qua, lợi nhuận của VEAM chủ yếu đóng góp từ 3 công ty liên doanh, liên kết nêu trên và việc sở hữu 14.442,35 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền (chủ yếu tiền gửi kỳ hạn ngắn), chiếm 54,7% tổng tài sản.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu VEA tăng 2.100 đồng lên 46.700 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan