Vốn hoá trên thị trường chứng khoán từ ngày 1 - 12/4/2022 “bốc hơi” 318.200 tỷ đồng.

Vốn hoá trên thị trường chứng khoán từ ngày 1 - 12/4/2022 “bốc hơi” 318.200 tỷ đồng.

Kiểm soát tâm lý, lựa chọn danh mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến thị trường đang thử thách cao độ với tâm lý nhà đầu tư, đòi hỏi nhà đầu tư phải có hiểu biết sâu về doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phiếu trong danh mục để đưa ra quyết định bán hay mua ở thời điểm này.

Nhà đầu tư thiệt hại nặng do tin đồn

Hai tuần qua, tận dụng tâm lý lo sợ, các thông tin không rõ nguồn gốc được lan truyền rộng rãi trên các kênh thông tin xã hội như Facebook, Viber, Zalo, diễn đàn chứng khoán… Một số đối tượng liên tục tung ra tin đồn bắt lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết, các công ty đang bị thanh tra liên quan tới phát hành trái phiếu. Việc này làm tăng thêm sự hoài nghi, lo sợ và kích hoạt hành động bán tháo trên sàn chứng khoán.

Kết quả, vốn hoá trên sàn HOSE từ ngày 1 - 12/4/2022 sụt giảm 238.800 tỷ đồng, toàn bộ thị trường chứng khoán (3 sàn gồm HOSE, HNX và UPCoM) bốc hơi 318.200 tỷ đồng, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, dẫn tới nhiều người mất niềm tin vào thị trường, vào doanh nghiệp khi chậm trễ trong việc bác tin đồn và trấn an nhà đầu tư.

Thực tế, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là các nhà đầu tư cá nhân do luôn bị chi phối bởi cảm xúc trong đầu tư giữa nỗi sợ hãi và sự hưng phấn quá đà. Theo dữ liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tính tới cuối tháng 3/2022, thị trường có hơn 4,9 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm khoảng 5% dân số.

Ngoài ra, dữ liệu giao dịch trong tháng 3/2022 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm khoảng 88% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng áp đảo nên yếu tố cảm xúc ảnh hưởng lớn tới quyết định giao dịch.

Có những đối tượng nhận thấy tâm lý thiếu ổn định của nhóm nhà đầu tư này sau khi lãnh đạo một số doanh nghiệp bị bắt nên liên tục tung ra các thuyết âm mưu, gieo rắc nỗi sợ hãi và đưa ra các bằng chứng thiếu cơ sở để lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận nhà đầu tư hành động theo bản năng và bán ra cổ phiếu.

Hiệu ứng domino xuất hiện khi nhiều nhà đầu tư thấy cổ phiếu giảm giá, lo sợ có tin xấu chưa ra nên thực hiện bán trước. Vòng lặp này liên tục diễn ra, tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường, một loạt cổ phiếu dư bán giá sàn.

Trong đó, phiên ngày 8/4, trên HOSE có 370 mã giảm giá, gồm 25 mã dư bán giá sàn với khối lượng lớn; phiên ngày 12/4, sàn HOSE có 409 mã giảm giá, gồm 64 mã dư bán giá sàn, chỉ có 67 mã tăng giá và 27 mã đứng giá.

Chiêu trò thường được các đối tượng lợi dụng là dùng văn bản sai thời điểm, hoặc thông tin không kiểm chứng.

Cắt lỗ hay mua vào?

Phiên giao dịch cuối tuần qua tiếp tục là một phiên giao dịch gây sức ép tâm lý với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu tỷ trọng cao trong danh mục. Trên rất nhiều nhóm tư vấn, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi nên bán, cắt lỗ cổ phiếu hay không. Ở chiều ngược lại, cũng rất nhiều câu hỏi về việc nên mua, bắt đáy cổ phiếu này, cổ phiếu kia hay chưa.

Điều đó cho thấy, tâm lý trên thị trường đang giằng cơ mạnh mẽ. Một bên giữ tâm lý muốn thoát khỏi thị trường và một bên sợ lỡ cơ hội mua hàng giá rẻ nhưng e ngại ảnh hưởng chung của thị trường đến cổ phiếu theo dõi có thể tiếp tục giảm.

Nếu tách riêng những mã cổ phiếu của các công ty tăng trưởng đang được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị đầu tư vào một bảng giá riêng thì bảng giá này xanh ngắt vào phiên giao dịch cuối tuần qua, bất chấp thị trường chìm trong sắc đỏ.

Ngoài ra, các mã thuộc những ngành được hưởng lợi như thủy sản, bán lẻ, phân bón giữ giá nhờ được hỗ trợ bởi lợi nhuận tốt. Các mã ngành bảo hiểm vẫn thu hút dòng tiền bởi triển vọng tốt hơn trong bối cảnh lạm phát và áp lực tăng lãi suất.

Các mã thuộc các nhóm ngành này tuy có tăng giảm theo sóng ngắn hạn, nhưng trong xu thế dài hạn vẫn khả quan, bởi định giá tốt do triển vọng kinh doanh năm 2022 rất sáng.

Quan sát kỹ thị trường có thể thấy, một vài mã tuy giữ sắc đỏ nhưng lại không giảm quá nhiều, chỉ biến động trong biên độ 5 - 10% trong 2 tuần sóng gió vì tin đồn vừa qua.

Nhà đầu tư cần kiểm soát tâm lý và quay trở lại với phương thức định giá cơ bản nhất để không bị dao động trước sức ép khách quan của thị trường.

Để đưa ra các quyết định với danh mục đầu tư ở thời điểm này, các môi giới, nhà đầu tư lâu năm đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư cần quay trở lại với những nguyên tắc cơ bản của định giá dựa trên những thông tin hiểu biết rõ về doanh nghiệp, thay vì để cho cảm xúc chi phối.

Anh Nguyễn Chung, nhà đầu tư quản lý nhóm đầu tư danh mục hơn 1.000 tỷ đồng cho biết, từ lâu, nhóm của anh đã tập trung vào các mã FPT, DGC, VNM và chủ yếu giao dịch trên những cổ phiếu này.

Theo anh Chung, lúc này, nhà đầu tư nên quan tâm đến định giá doanh nghiệp, tùy theo ngành mà lựa chọn định giá ở mức P/E 6 lần hay 9 lần là hấp dẫn để đầu tư.

Đối với những cổ phiếu có P/E quá cao mà ngành nghề kinh doanh không có gì đặc biệt, hoặc không rõ câu chuyện kỳ vọng tiếp theo là như thế nào thì nên cắt lỗ để chuyển danh mục qua những mã cổ phiếu có thể đo đếm được về định giá.

Vì khi dòng tiền nóng, tiền rẻ rút bớt khỏi thị trường thì cổ phiếu chỉ tăng vì câu chuyện kỳ vọng rất khó tăng trở lại. Đó là chưa kể, có những câu chuyện kỳ vọng cần nhiều thời gian, có khi tính bằng năm, vài năm để phản ánh hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Thay vào đó, dòng tiền sẽ trở lại với những mã được định giá rẻ theo cách rất cơ bản, đo đếm được lợi nhuận quý I, quý II và đến cuối năm, chứ không phải là một câu chuyện chung chung.

Một kiến thức nữa nhà đầu tư cần quan tâm học hỏi là cách “đi tiền”. Khi cổ phiếu được xác định là rẻ và có điểm mua thì nhà đầu tư cần biết cách chia tiền để mua dần. Chia tiền làm 3 phần mua ở vùng đáy, hay nhìn thấy cổ phiếu tạo đáy rõ ràng đi lên mới bắt đầu xuống tiền.

Những kỹ năng này đòi hỏi nhà đầu tư phải học hỏi và luyện tập, thay vì mua ào ào theo khuyến nghị của các môi giới. Thông thường, các môi giới rất dễ dàng để khuyến nghị mua theo tín hiệu kỹ thuật và luôn khuyến nghị cắt lỗ khi giá vi phạm ngưỡng an toàn nào đó theo phân tích kỹ thuật.

Với nhà đầu tư, lúc này là thời điểm cần có thêm kiến thức để tự tin bắt đáy.

Bởi nhìn ở góc độ kỹ thuật, khi tâm lý thị trường yếu, cổ phiếu trên thị trường cơ sở sẽ được bán xuống để người chơi hưởng lợi trên thị trường phái sinh. Dự báo, sang tuần này, khi qua ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng, thị trường sẽ phục hồi, bởi không còn áp lực bán xuống đè chỉ số trên thị trường cơ sở.

Để lựa chọn danh mục đầu tư khi nhiều mã cổ phiếu đã vào vùng quá bán và về mức định giá khá rẻ, nhà đầu tư cần kiểm soát tâm lý và quay trở lại với phương thức định giá cơ bản nhất để không bị dao động trước sức ép khách quan của thị trường.

Tin bài liên quan