Mục tiêu đặt ra từ giờ đến cuối năm là giữ CPI dưới mức 5%
Cuối tháng 7, trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 trình Quốc hội, Chính phủ vẫn nhận định: “Lạm phát cả năm có thể vượt mục tiêu 5% đề ra”, cho dù ở thời điểm ngày 30/6, CPI mới chỉ tăng 2,35% so với 31/12/2015.
Lo ngại khi đó của Chính phủ là có lý do, bởi trong 6 tháng đầu năm, việc điều chỉnh giá một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu, như xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục đã khiến CPI tăng mạnh.
Ngoài ra, sự phục hồi mạnh mẽ của giá dầu thô trên thị trường thế giới đãlàm tăng giá hầu hết các loại vật tư, nguyên liệu, vận chuyển,tác động đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra.
Với những diễn biến gần đây của CPI, có thể thấy dự báo của Chính phủ càng có cơ sở hơn, bởi CPI tháng 10 tăng 0,83% so với tháng 9 và đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ đầu năm 2015, khiến cho CPI 10 tháng đầu năm tăng tới 4% so với 31/12/2015.
Trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong rổ tính CPI, thì có tới 9 nhóm hàng tăng giá, trong đó mới chỉ có 16 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 2 (tính thêm cả chi phí tiền lương nhân viên y tế vào giá dịch vụ) đã khiến giá dịch vụ y tế trong tháng 10 tăng 13,28%, góp phần làm cho CPI tháng 10 tăng thêm 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá bán lẻ xăng dầu tăng liên tiếp 6 lần tính từ thời điểm 19/8/2016 với mức tăng tổng cộng 2.100 đồng/lít cũng góp phần không nhỏ kéo theo hàng loạt hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh cũng là nhân tố khiến CPI 10 tháng đầu năm, đặc biệt là tháng 10/2016tiếp tục đà tăng tốc.
Trước những diễn biến này, ngày 19/10/2016, Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đứng đầu đã nhóm họp và đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm chủ động kiểm soát lạm phát với mục tiêu đặt ra là giữ CPI dưới 5%, lạm phát cơ bản (không tính giá lương thực, thực phẩm, năng lượng, y tế và giáo dục) dưới 2%.
Cụ thể, trong 2 tháng cuối năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nướcphải sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để ổn định và có điều kiện giảm lãi suất cho vay.Bộ Công thương giữ ổn định giá bán lẻ điện.Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ tài chính giảm phí giao thông đường bộ đối với dự án BOT ở ít nhất 10 trạm thu phí.Bộ Y tế tạm dừng điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Các bộ ngành, địa phương chủ động chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường, không để xảy ra thiếu hàng gây sốt giá, triển khai chương trình bình ổn thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến vào Tết Dương lịch 2017 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu…
Sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Ban Chỉ đạo điều hành giá cộng với việc giá xăng dầu bất ngờ giảm khoảng 600 đồng/lít vào ngày 19/11/2017 (đây là lần giảm thứ 7 trong năm) là những nhân tố góp phần quan trọng làm giảm tốc độ tăng CPI tháng 11 và cả tháng 12 tới.
Có thể nói, Chính phủ giữ được lạm phát là thành công rất lớn. Bởi năm nay, thời tiết diễn biến bất thường khiến rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh phía Bắc hồi đầu năm; hạn hán chưa từng thấy tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên hồi giữa năm; bão lũ tàn phá ở các tỉnh miền Trung mới đây...Đặc biệt,việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, để đến năm 2020 phải tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ.
Năm nay, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu 6,7%, nhưng lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát sẽ là việc có nhiều ý nghĩa. Mức sống của người dân, nhìn chungsẽ không bị hụt đi,cuộc sống của hơn 6,5 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội sẽ bớt khó hơn do không bị lạm phát “ăn mòn”. Vì vậy, có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế còn những bất cập, khó khăn, nhưng giữ được mặt bằng giá là một thành công đáng kể trong điều hành của Chính phủ.