Có thể dùng màu sắc để phân biệt nhóm cổ phiếu bị kiểm soát nhằm cảnh báo NĐT.

Có thể dùng màu sắc để phân biệt nhóm cổ phiếu bị kiểm soát nhằm cảnh báo NĐT.

Kiểm soát hay không kiểm soát?

Thời gian gần đây, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) liên tục đưa ra thông báo về việc kiểm soát doanh nghiệp niêm yết (DNNY) có kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2008. Trong khi đó, trên TTGDCK Hà Nội (HASTC) cũng có nhiều DNNY công bố con số lợi nhuận âm, nhưng chưa bị kiểm soát vì chưa có báo cáo được kiểm toán.

Là NĐT, tôi xin có một số ý kiến về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, tôi hoàn toàn ủng hộ việc HOSE đưa ra một danh sách kiểm soát như vậy. Bởi điều này sẽ giúp NĐT tiếp cận thông tin một cách công khai, minh bạch hơn.  Tuy nhiên, hiện HOSE mới chỉ đưa ra danh sách bị kiểm soát, chứ chưa có quy định cụ thể về việc DN bị kiểm soát như thế nào (?) 

Nên chăng, các DN này phải công bố thông tin thường xuyên hơn, thay vì hàng quý thì phải công bố kết quả sơ bộ hàng tháng. Ngoài ra, cổ đông của những DN bị kiểm soát này có thể yêu cầu DN trả lời về những vướng mắc hiện tại, hướng giải quyết cũng như vấn đề có liên quan đến DN.

Thứ hai, HOSE cần tăng cường trách nhiệm trong nhiệm vụ quản lý thị trường của mình, không chỉ đối với DN bị kiểm soát, mà cả DNNY hiện nay. Theo quy định, DN phải công bố thông tin định kỳ hoặc bất thường khi có vấn đề phát sinh, nhưng việc công bố thông tin này hiện nay còn rất hạn chế. Đơn cử như việc nộp báo cáo tài chính hàng quý thường xuyên có sự chậm trễ, cổ đông nội bộ không công bố thông tin, hoặc công bố rất chậm sau khi thực hiện giao dịch. Thông tin trong báo cáo tài chính công bố sơ sài, thậm chí thiếu sót nhiều chỉ tiêu…

Thứ ba, mới đây, có ý kiến cho rằng, dùng từ “bị kiểm soát” là quá nặng nề, gây hiểu nhầm cho NĐT. Tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi vô hình trung đã “coi thường” trình độ của NĐT. Tuy nhiên, nếu có thể, nên thay từ “bị kiểm soát” bằng từ khác cho đúng bản chất của mối quan hệ giữa Sở và DN. Chúng ta có thể dùng màu sắc để cảnh báo NĐT, ví dụ nhóm cổ phiếu trong vùng “báo động đỏ” hoặc tiến hành phân chia nhiều cấp độ để đánh giá mức độ kiểm soát và hành vi công bố thông tin của DN. DN nào thường xuyên vi phạm quy định sẽ bị cảnh báo ở cấp độ nặng hơn, DN vi phạm ít hơn sẽ bị cảnh báo ở cấp độ thấp hơn.

Điều quan trọng là khi HOSE đưa ra một danh sách “bị kiểm soát” như vậy thì phải có sự kiểm soát thực sự, tránh tình trạng chẳng kiểm soát gì hoặc “đâu lại hoàn đấy”.