Kiểm soát ‘đạo đức’: Khó!

(ĐTCK) Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ lãi suất ngân hàng 4% theo yêu cầu của Chính phủ đang được các NHTM tích cực triển khai trên những nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn. Cho dù vẫn còn khá nhiều lo ngại về trách nhiệm ẩn sau những động thái tích cực của các NHTM, thì giới đầu tư kinh doanh vẫn đang kỳ vọng vào khả năng nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn này, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các kế hoạch kinh doanh chín muồi.

Chính trong thời điểm này, bài toán hiệu quả thực tiễn của chính sách lại được các chuyên gia kinh tế nhắc lại. Nhất là khi chính các NHTM cũng lên tiếng về áp lực trách nhiệm trong giám sát địa điểm và tính hiệu quả của nguồn vốn này.

Ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho rằng, rủi ro về đạo đức đang chiếm ưu thế trong những tính toán về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ lãi suất. Những rủi ro trong hoạt động sản xuất - kinh doanh rất có thể sẽ khiến một vài hợp đồng tín dụng không được hiệu quả như mong muốn, song về nguyên tăc thì mục tiêu đưa vốn vào lưu thông, kích cầu ở một góc độ nào đấy đã đạt được. "Tôi thực sự lo ngại khi có sự ‘móc ngoặc’ giữa các DN để chiếm dụng 4% lãi suất được hỗ trợ. Trong trường hợp này, rất khó kiểm soát được hiệu quả của nguồn vốn của gói kích cầu mà Chính phủ dành cho chính sách hỗ trợ lãi suất. Hơn thế, đáng nói là những rủi ro đạo đức này sẽ làm méo mó tình hình thực tế, ảnh hưởng tới việc dự báo, cũng như hoạch định chính sách của Chính phủ", ông Khánh cho biết.

Thực ra, trong khá nhiều phân tích, hai mặt của một chính sách, rủi ro và hiệu quả, luôn được đặt lên bàn. Vấn đề ở đây, theo ông Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đó là cơ chế giám sát các hoạt động này như thế nào. "Nếu thủ tục hành chính khó khăn quá thì tiền chẳng đến được địa chỉ. Nhiều khi phải xác định khoảng 80% số tiền đến đúng địa chỉ, còn hơn khắt khe quá để không DN nào nhận được tiền", ông Thiên nói và cho rằng, cần phải thiết lập "đội giám sát cơ động" nhằm đảm bảo "lỏng" trên nền nguyên tắc.

Đây cũng đang là bài toán khó. Phần lớn DN khi được hỏi đều ngần ngại về khả năng chặt chẽ hơn của ngân hàng trong xem xét dự án đầu tư. Một điều rất rõ ràng là khi trách nhiệm bảo toàn vốn thuộc về ngân hàng thì sự thận trọng trong xem xét cho vay là điều tất yếu. Cũng không thể không tính tới khả năng xuất hiện cơ chế "xin - cho" trong tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này. Và như vậy, rất có thể những địa chỉ cần lại không nhận được vốn. Một trong những hậu quả của giả thiết này là mục tiêu tái cơ cấu lại các DN sẽ khó đạt được.

Thêm một lo ngại khác là sự bất cẩn của chính các DN trong thực hiện dự án bằng nguồn vốn được vay ưu đãi này. Vì theo khảo sát của một số chuyên gia, trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, mức lãi suất vay ngân hàng mà các DN chấp nhận được đều trong khoảng 10%. Rõ ràng, với cơ chế hỗ lãi suất, giá vốn đang rất rẻ. "Có thể một số DN có điều kiện tiếp cận thuận lợi với nguồn vốn này sẽ không thực sự cẩn trọng trong xây dựng và triển khai các dự án kinh doanh. Và Nhà nước cũng sẽ phải gánh chịu một phần hậu quả của các dự án kinh doanh kém chất lượng trong những trường hợp đặc biệt này", ông Khánh phân tích.

Rõ ràng, cơ chế kiểm soát cần phải được xây dựng một cách rất cẩn trọng và cụ thể. Các đề xuất về những đội công tác đặc nhiệm trong điều kiện đặc biệt, theo ông Thiên, có thể sẽ hạn chế được không nhỏ những yếu tố rủi ro về mặt đạo đức vốn không dễ kiểm soát. Hiện tại, với dự kiến số dư nợ đối với các đối tượng được hỗ trợ lãi suất khoảng 65.000 - 70.000 tỷ đồng và sẽ dùng đến khoảng 2.500 - 2.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đã có kế hoạch giao giám sát từng đối tượng khách hàng cho từng các cán bộ quản lý của mình.

Vấn đề còn lại, theo các chuyên gia kinh tế, là cơ chế giám sát hoạt động cho vay của chính các ngân hàng và điều phối tổng thể việc triển khai chính sách này trong thực tế. Giới chuyên gia đang chờ đợi những hướng dẫn cụ thể hơn trong cơ chế giám sát từ Ngân hàng Nhà nước.