Kiểm soát chặt việc rót tín dụng bất động sản vào vùng sốt đất

Kiểm soát chặt việc rót tín dụng bất động sản vào vùng sốt đất

(ĐTCK) Mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, song theo các nhà phân tích kinh tế, con số thực tế các ngân hàng cho vay tại lĩnh vực này vẫn ở mức cao. Do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ dòng vốn để tránh rủi ro trong tương lai.

Vốn vào bất động sản được thanh lọc

Một trong những nội dung chỉ đạo công tác tín dụng năm 2019 vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đưa ra đối với các ngân hàng là kiểm soát vốn vào lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, NHNN yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các tổ chức (TCTD) đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực có hiện tượng sốt đất. Trong trường hợp cần thiết, có biến động bất thường, cần chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo với NHNN.

Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của các TCTD, công ty tài chính nhằm đảm bảo cung ứng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.

Các TCTD tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch tín dụng năm 2019 phù hợp với giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN. Cùng với việc thực hiện chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ (tín dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nhà ở và nhà ở xã hội…), TCTD cần kiểm soát chặt tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng, nhóm khách hàng có dư nợ lớn…

Mặc dù đứng đầu nhóm thị trường tài sản kém minh bạch, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ nhờ vào các yếu tố như tỷ suất sinh lời tốt và mức giá rẻ, trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô trong nước ổn định.

Theo phân tích của một chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong tương lai, nhất là bất động sản khu vực ven đô. Đây là nơi đón làn sóng lao động nhập cư từ các tỉnh về thành phố lớn để sinh sống và làm việc, với cơ sở hạ tầng dần được cải thiện giúp giá bất động sản giữ xu hướng leo dốc trong thời gian qua. 

Hạn chế nợ xấu mới phát sinh

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2019, cần kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng rót vào thị trường bất động sản nhằm hạn chế rủi ro bong bóng tín dụng có thể lặp lại như cách đây 10 năm. Theo đó, trong giai đoạn 2007 - 2008, từ mức chỉ 20 - 30%, tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng đã lên mức 57% vào năm 2007, mà nguyên nhân chính tới từ việc các ngân hàng thương mại đổ vốn vào bất động sản, chứng khoán. Khi bong bóng xì hơi, hậu quả để lại là nợ xấu tăng cao và nhiều hệ lụy cho tới hôm nay.

Đáng chú ý, các chuyên gia lo ngại con số dư nợ tín dụng cho vay bất động sản từ trước tới nay chưa chính xác, thấp hơn nhiều so với thực tế. Do đó, việc kiểm soát vốn vào thị trường này là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, kiểm soát chất lượng tín dụng cũng như hạn chế vốn vào lĩnh vực bất động sản là điều cần làm. Bên cạnh việc các nhà băng thận trọng khi cho vay lĩnh vực bất động sản, các chủ đầu tư cũng phải giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng.

Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, siết tín dụng bất động sản không chỉ là hành động tức thời, mà là xu hướng trong dài hạn. Cần phát triển các nguồn vốn khác cho thị trường này thay vì chỉ phụ thuộc vào tín dụng từ ngân hàng.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng đang trong tầm kiểm soát, song NHNN không chủ quan với phân khúc mang tính rủi ro cao như đầu tư kinh doanh bất động sản. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo các nhà băng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng, tập trung hơn vào việc phát triển các khoản dư nợ ngắn hạn, hạn chế tăng trưởng các khoản cho vay dài hạn, nhất là khi chủ trương siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhiều khả năng sẽ tiếp tục thay vì dừng lại ở tỷ lệ 40% theo quy định vừa được áp dụng đầu năm nay.

Trong bối cảnh này, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, họ đã có chủ trương nói “không” với việc cung ứng tín dụng cho chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, chỉ tập trung cho vay cá nhân mua nhà.

Tin bài liên quan