Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế tại một hội thảo về giá cả thị trường mới đây, dù diễn biến giá và chỉ số lạm phát trong tháng 5, tháng 6 và 6 tháng đầu năm nay đã giảm khá mạnh, song áp lực lên lạm phát thị trường trong nước còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch đề ra.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, xu hướng giảm CPI vừa qua là không bền vững và hiện còn nhiều yếu tố bất lợi có khả năng đẩy CPI tăng trong thời gian tới như giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến không ổn định; giá nhiều loại hàng hóa, vật liệu có xu hướng tăng khiến giá cả nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất tăng...
Mặt khác, theo ông Long, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng tạo áp lực lớn lên lạm phát, khi các chính sách sẽ thiên về xu hướng nới lỏng.
“Chính phủ có thể chấp nhận nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017. Theo đó, tiền sẽ được bơm ra nền kinh tế nhiều hơn để các doanh nghiệp có cơ hội gia tăng khối lượng sản xuất hàng hóa và dịch vụ”, ông Long nhận định.
Với 2 kênh bơm tiền được Ngân hàng Nhàn nước (NHNN) áp dụng khá thường xuyên trong những năm qua là thông qua thị trường mở (OMO) và mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại, bên cạnh những động thái gần đây của Kho bạc Nhà nước đã chuyển một khối lượng vốn rất lớn đang gửi không kỳ hạn tại NHNN sang gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại trong tháng 4 và 5 được dự báo sẽ làm cung tiền trong nền kinh tế tăng lên, đồng thời khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh.
Chính phủ có thể chấp nhận nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức độ vừa phải để theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017
- Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Ông Long cảnh báo, động thái trên sẽ dẫn tới khó kiểm soát lạm phát khi kích thích tăng trưởng không phù hợp. Khuyến nghị được vị chuyên gia này đưa ra là NHNN hút tiền trở lại thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi của NHNN để kiểm soát lạm phát.
Với bối cảnh đó, theo các chuyên gia, lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức chỉ số tăng giá tiêu dùng bình quân 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra. Nếu muốn kiểm soát lạm phát theo đúng kế hoạch đã đặt ra, đòi hỏi CPI phải tiếp tục duy trì ở mức thấp trong 6 tháng cuối năm.
Bà Lê Vũ Thanh Tâm, Chuyên gia Viện Kinh tế tài chính cho rằng, đây là thời điểm mà các nhà hoạch định chính sách cần có những biện pháp bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát và điều hành nhịp nhàng với kích thích tăng trưởng.
“Tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (điện, nước, xăng dầu…); giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp…, là các giải pháp cần thực hiện một cách đồng bộ để kiềm chế tốc độ tăng CPI ở mức cho phép, từ đó có thể kiểm soát được lạm phát kỳ vọng, song vẫn đảm bảo kích thích tăng trưởng để thực hiện được mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%”, bà Tâm nhấn mạnh.
“Cần đẩy mạnh hơn nữa tín dụng vào khu vực sản xuất-kinh doanh, duy trì lãi suất thấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ”, ông Long đề xuất và khuyến nghị cơ quan quản lý cần điều hành đồng bộ chính sách tỷ giá, đặc biệt áp dụng linh hoạt tỷ giá trung tâm, giảm áp lực tỷ giá và lãi suất để cung cầu ngoại tệ, thanh khoản tiền đồng được cân bằng…
Liên quan đến giải pháp về lãi suất, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất điều hành 0,25%/năm là hợp lý trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lạm phát đang duy trì ở mức thấp và khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất USD vào cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, vấn đề là độ trễ của động thái này tới việc giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường cần càng ngắn càng tốt để doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng với lãi suất thấp sớm nhất.