Kiểm soát chặt chẽ gói kích cầu

(ĐTCK) "Trong điều kiện suy giảm nặng nề, yêu cầu cứu giúp nền kinh tế một cách khẩn trương, quyết liệt có thể làm sao nhãng bài toán hạn chế lãng phí, chống thất thoát trong chi tiêu công", ông Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ lo ngại này tại một hội thảo về kiểm toán chi tiêu công được tổ chức mới đây.

Kiểm soát gói kích cầu làm sao cho hiệu quả, đồng tiền chi ra được đến đúng địa chỉ cần đầu tư cũng là mối quan tâm lớn nhất hiện nay của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn, gói kích cầu của Việt Nam so với thế giới tuy chưa lớn, nhưng đối với nền kinh tế như Việt Nam thì đây là khoản tiền rất lớn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là gói kích cầu được sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả tối đa. "Trung Quốc khi đưa ra gói kích cầu, họ đã phân định khá cụ thể: bao nhiêu tiền dành cho việc gì, đều có địa chỉ, mục tiêu rõ ràng và họ có cả hệ thống giám sát để đảm bảo khoản tiền đưa ra được sử dụng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Dù vậy, họ vẫn điều tra việc sử dụng sai gói kích cầu và khoản tiền chi ra không hiệu quả… Hay như ở Mỹ, gói kích cầu sử dụng như thế nào, đều được công khai để người dân có thể giám sát đồng tiền mình đóng thuế được sử dụng có hiệu quả không?", bà Lan cho biết.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Võ Trí Thành cho biết, phạm vi, đối tượng tác động của gói kích thích kinh tế thường là khá rộng. "Nếu gói kích cầu tung ra mà thiếu kiểm soát thì rất dễ làm gia tăng căng thẳng xã hội trong điều kiện nhóm người nghèo, người dễ bị tổn thương đang phải hứng chịu tác động bất lợi nhất từ cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế", ông Thành nói và cảnh báo, khủng hoảng tài chính thường đi kèm với sự đổ vỡ của nhiều định chế tài chính và chi phí tái cấp vốn, tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng là rất lớn, có thể lên tới 15 - 30% GDP. Và trong một chừng mực nhất định, hiện tượng lãng phí, thất thoát trong chi tiêu công cũng có thể xảy ra ở đây.

Lo ngại việc chi tiêu ngân sách chưa thực sự gắn chặt với trách nhiệm, mà chỉ chịu sự ràng buộc của những chế tài chưa thực sự nghiêm khắc, hiệu lực không cao, kèm theo đó là năng lực bộ máy nhìn chung còn yếu kém, có thể chính là căn nguyên của tình trạng "có vấn đề" trong hoạt động ngân sách nhà nước, gây ra lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, tham nhũng…, ông Thiên kiến nghị, cần tổ chức kiểm điểm và đánh giá lại Luật Ngân sách nhà nước sau năm 5 năm thực hiện một cách quy mô, bài bản cùng với sự tham gia rộng rãi của nhiều giới, nhất là giới hoạch định chính sách, nghiên cứu và doanh nghiệp. Đồng thời, cần mổ xẻ kỹ lưỡng các cấp độ quy định hoạt động thu chi ngân sách như định hướng phát triển, mô hình tăng trưởng, cấu trúc của nền kinh tế.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Trợ lý Giám đốc quốc gia, Trưởng ban Quản trị quốc gia UNDP tại Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm, không nên bó hẹp trong kiểm toán chi tiêu công, mà cần mở rộng kiểm toán sang công sản, nhất là bất động sản. Ông Dũng phân tích, kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chiếm tỷ trọng 20,8%, cao nhất trong các lĩnh vực, tập trung chủ yếu ở TP. HCM và Hà Nội…

Trao đổi với báo giới mới đây, một quan chức của Thanh tra Chính phủ đã cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành việc thanh tra thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ. Trong gói kích cầu, Chính phủ đưa tiền ra để thực hiện nhiều chủ trương, đầu tư cho xây dựng và giải quyết các vấn đề xã hội, có nghĩa là kích thích sự phát triển. Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc triển khai các dự án của địa phương, xem các dự án đó có thực sự bức thiết, có đáp ứng yêu cầu kích cầu không, có tạo hiệu quả để góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế? Việc giải ngân có đảm bảo nhanh, kịp thời, đúng mục đích, đối tượng không? Và một văn bản về thanh tra gói kích cầu cũng vừa được cơ quan này chính thức ban hành.