Hà Nội đã ghi nhận thêm 10 ca mắc mới tại hai ổ dịch.
Ổ dịch thứ nhất là Công ty TNHH SEI, khu công nghiệp Bắc Thăng Long với 4 ca mắc mới đều ở tại Đông Anh.
Qua điều tra dịch tễ, tính đến ngày 6/7, có 61 trường hợp F1 (49 F1 của bệnh nhân H., 12 F1 của bệnh nhân T.). Trong đó 49 F1 của bệnh nhân H. đã được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả có 3 trường hợp dương tính, còn lại âm tính. 12 F1 của bệnh nhân T. đang được lấy mẫu xét nghiệm.
Ổ dịch tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức ghi nhận bệnh 5 nhân bệnh nhân trong cùng gia đình tại thôn Kênh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức.
Tính đến ngày 6/7, có 81 trường hợp F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm, chưa có kết quả. Tổng số người liên quan, người trong khu vực ổ dịch khoanh vùng là 38, trong đó 16 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm chưa có kết quả.
Các trường tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính đang tiếp tục được điều tra bổ sung. Qua điều tra sơ bộ, quanh khu vực nhà bệnh nhân có 38 người liên quan.
Cũng theo CDC Hà Nội, 1 trường hợp dương tính mới tại quận Hoàng Mai liên quan đến chuyến bay về từ TP.HCM. Đó là bệnh nhân P.H.G., nam, 1979. Địa chỉ: 51/169/179 Tân Mai, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.
Bệnh nhân là F1-lái xe taxi chở 4 bệnh nhân Thanh Hóa dương tính (Chuyến bay VN286 ngày 3/7/2021, từ TP.HCM ra Hà Nội).
Với ổ dịch tại TP.HCM, theo thống kê tính đến sáng 6/7, TP ghi nhận thêm 230 trường hợp nhiễm mới. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP đã ghi nhận hơn 6.900 trường hợp mắc Covid-19.
TP.HCM có tổng cộng 6.905 bệnh nhân Covid-19 - địa phương có số lượng ca mắc mới cao nhất cả nước.
Theo lãnh đạo TP, hiện năng lực xét nghiệm nhanh kháng nguyên của TP có thể đạt được 150.000 - 200.000 mẫu/ngày, ngành Y tế cần cân nhắc, xác định rõ trường hợp nào, khu vực nào sử dụng xét nghiệm nhanh, PCR mẫu gộp hoặc PCR mẫu đơn để đạt hiệu quả cao trong truy tìm F0 tiềm ẩn trong cộng đồng.
Đồng thời phối hợp với ngành Thông tin - Truyền thông nghiên cứu triển khai việc cấp mã QR Code cho các đối tượng đã có kết quả xét nghiệm, góp phần thuận lợi trong quá trình người dân ra/vào Thành phố hoặc đến các địa điểm, khu vực trong TP.
Xu hướng số ca bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế, cho thấy tác nhân gây bệnh đã có ở khắp TP và số ca bệnh trong khu vực phong tỏa cũng ngày càng tăng nhanh.
Để kiểm soát được dịch bệnh, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu người dân cần tuân thủ thực hiện nghiêm Chỉ thị 10, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và các quy định trong khu vực phong tỏa. Đồng thời có sự chọn lọc thông tin khi tiếp cận, tránh chia sẻ những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của TP cũng như tâm lý của người dân.
Ngoài TP.HCM, hàng loạt tỉnh, TP khu vực miền Trung và Nam bộ cũng đang đối mặt nguy cơ dịch lan rộng. Các địa phương đang gấp rút xây dựng hệ thống y tế để cách ly F1, điều trị F0 song song truy vết, xét nghiệm để dập dịch.
Trong tình thế số lượng ca nhiễm, F1 ngày càng tăng, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà. Biện pháp cách ly, theo dõi, điều trị F0 không triệu chứng, biểu hiện nhẹ tại nhà cũng được các chuyên gia đặt ra.