Ông Huỳnh Trung Khánh

Ông Huỳnh Trung Khánh

Kiếm lợi từ “điệu múa” của vàng

(ĐTCK) Giới đầu tư toàn cầu đang dành sự quan tâm đặc biệt đến vàng khi năm 2020 mở đầu với nhiều bất ổn trên chính trường quốc tế. Trong bối cảnh này, bỏ vốn vào vàng liệu có dễ “thắng”? Đó là câu hỏi được Báo Đầu tư Chứng khoán đặt ra với ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam.

Vàng biến động mạnh những ngày đầu năm mới và thực tế đã đem lại biên lợi nhuận không dưới 10 - 15% trong năm 2019. Theo ông, xu hướng 2020 của giá vàng sẽ ra sao?

Sang năm mới 2020, giá vàng đã có những phiên dao động ấn tượng, chạm ngưỡng 1.580 USD/ounce.

Giá vàng vẫn được hỗ trợ tăng trong thời gian tới nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran trở nên tồi tệ hơn.

Với diễn biến chính trị khó lường từ Mỹ - Iran hay Mỹ - Trung cũng như chính sách điều hành tiền tệ ở mức nới lỏng của các quốc gia trên thế giới, nhiều chuyên gia dự đoán, vàng sẽ là công cụ đầu tư được ưa chuộng và sẽ có một năm tích cực.

Bên cạnh đó, trong năm 2020, Anh đã đạt được thỏa thuận Brexit cũng tác động lên vàng.

Xu hướng của vàng trong năm 2020 sẽ còn biến thiên, tăng - giảm khó lường, nhưng theo tôi, chỉ giá vàng có thể xuống thấp nhất ở mức 1.450 USD/ounce.

Trên thực tế, năm 2019, giá vàng luôn biến động, không chỉ có chiều tăng.

Tuy nhiên, tính chung cả năm qua, mặt hàng kim loại quý này đã tăng trên 15%. Nhà đầu tư rót vốn vào vàng cũng kiếm được biên lợi nhuận không thấp hơn các kênh đầu tư khác.

Ngược lại, vàng luôn được giới đầu tư, đầu cơ trên thế giới lựa chọn, vì đảm bảo được giá trị cho đồng vốn mà lợi nhuận thu về trong đầu tư không thấp.

Các yếu tố tác động mạnh đến giá vàng trong năm 2020 là gì, theo ông?

Giá vàng thế giới không chịu ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến của kinh tế Mỹ mà chủ yếu tác động bởi cuộc thương chiến Mỹ - Trung cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.

Thương chiến Mỹ - Trung đã kết thúc đàm phán giai đoạn một, nhưng vẫn phải tiếp tục giai đoạn 2 và đi đến thỏa thuận mới mong tình hình kinh tế sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, điều này cũng không thể nói trước được. Một khi thương chiến Mỹ - Trung còn kéo dài, kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động và Việt Nam cũng khó tránh khỏi.

Với diễn biến của thị trường năm 2020, các dự báo đưa ra giá vàng có nhiều cơ hội vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce và khả năng còn lên đến 1.700 USD/ounce vào giữa năm. Nhiều nhà đầu tư “săn” vàng trong năm nay nhằm tránh rủi ro khi giá USD có thể suy yếu và căng thẳng địa chính trị trên thế giới có chiều hướng gia tăng.   

Nếu tình hình kinh tế Trung Quốc thuận lợi, họ sẽ mua vàng nhiều hơn trong năm 2020. Thực tế, Trung Quốc vẫn là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Thế nhưng, bất ổn trong mối quan hệ Mỹ - Trung có thể khiến cả hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kém khởi sắc.

Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng giảm tốc rõ rệt. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được nhận định rằng sẽ khiến giá vàng tăng 16%, giúp kim loại quý này hướng tới một năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2010.

Mặt khác, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục giảm lãi suất trong thời gian qua cũng sẽ khiến cho đồng bạc xanh của Mỹ không còn chiều hướng tăng cao...

Vậy dự báo theo ông, ngưỡng cao nhất mà vàng có thể chạm đến năm 2020 là ngưỡng nào?

Với diễn biến của thị trường năm 2020, các dự báo đưa ra giá vàng có nhiều cơ hội vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce và khả năng còn lên đến 1.700 USD/ounce vào giữa năm.

Kết quả khảo sát mới nhất của Main Street trên Kitco News cho thấy, các nhà đầu tư khá lạc quan về triển vọng giá vàng từ nay đến cuối năm 2020.

Trong số 1.749 người tham gia khảo sát, có đến 80% nhận định giá vàng sẽ đi lên, sẽ vượt mốc 1.600 USD/ounce.

Nhiều ngân hàng quốc tế như Goldman Sachs, ABN AMRO, TD Securities... cũng đưa ra dự báo, giá vàng sẽ đạt mức 1.600 USD/ounce.

Nhiều nhà đầu tư sẽ “săn” vàng trong năm nay nhằm tránh rủi ro trong khi giá USD có thể suy yếu và căng thẳng địa chính trị trên thế giới có chiều hướng gia tăng.

Với nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại, kinh tế Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng 3%, đồng đô la Mỹ đi xuống và sự trở lại của lạm phát, hàng hóa và nguyên liệu sẽ tăng vọt.

Ba mặt hàng có thể có lợi là dầu, đồng và vàng. Trong khi đó, giá vàng đang vượt ra khỏi mô hình cờ hiệu và hiện cho thấy rằng, kim loại này có mức kháng cự ở mức 1.556 USD/ounce.

Năm 2020 là một năm có ý nghĩa hơn đối với vàng. Nếu vàng tăng trên ngưỡng kháng cự, nó có thể vọt lên đến 1.700 USD/ounce. Tuy nhiên, một khi vàng tăng lên mức cao cũng khó tránh việc quay đầu giảm.

Về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm thêm lãi suất trong 2020, ông cảm nhận thế nào?

Fed đã 3 lần giảm lãi suất trong năm 2019 và cho biết, định hướng sẽ giữ nguyên trong năm 2020.

Theo tôi, nếu thương chiến Mỹ - Trung lắng dịu, kinh tế Mỹ phục hồi thì Fed sẽ không giảm thêm lãi suất đồng USD.

Ngược lại, thương chiến chưa chấm dứt, kinh tế trì trệ khả năng Fed sẽ xem xét giảm thêm lãi suất cơ bản đồng USD.

Điều này sẽ tác động tích cực lên mặt hàng kim quý vàng khi sức khỏe của đồng bạch xanh không còn được trợ lực tăng giá mạnh như trước.

Nếu mức kháng cự của vàng trong năm 2020 là 1.556 USD/ounce thì có thể đến tháng 3/2020, mặt hàng kim quý vàng sẽ bắt đầu xu hướng tăng.

Đến tháng 7 - 8/2020, vàng sẽ có đợt “sóng”, nhưng sau đó, giá vàng sẽ “chùn” lại.

Năm 2020, giá vàng trên thế giới phụ thuộc vào kinh tế, tình hình địa chính trị toàn cầu hơn là cung - cầu và mãi lực vàng trên thị trường, kể cả những mùa mua sắm cao điểm.

Có nghĩa, bỏ vốn vào vàng năm nay sẽ ít rủi ro mà vẫn kiếm được lợi nhuận, thưa ông?

Nếu nhìn lại cả năm 2019, nhất là những tháng cuối năm chúng ta có thể thấy, những ai bỏ vốn vào vàng đầu năm đã thu được lợi nhuận không dưới 15% và nhiều người đã tiếc nuối trong thời điểm quý cuối năm khi vàng tăng giá mạnh.

Như tôi đã phân tích, mặt hàng kim quý vàng chưa hết cơ hội tăng trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng không nên bỏ “trứng” vào một giỏ mà phải biết phân tán rủi ro trong đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, khi các kênh đầu tư khác đang có dấu hiệu chững lại thì việc xem xét bỏ vốn vào vàng cũng là một trong những kênh được lựa chọn.

Mặt khác, với người Việt Nam, vàng luôn được xem là tài sản, làm của hồi môn, đó là chưa kể nhu cầu về trang sức vàng của người dân cũng gia tăng khi kinh tế phát triển, thu nhập của người tiêu dùng tăng theo... khiến mãi lực mua vàng tăng.

Số liệu thông kê từ những năm trước cũng cho thấy, một lượng vàng lớn (450 - 500 tấn) được tiêu thụ ở thị trường nội địa, song sau một thời gian ngân hàng không còn được huy động vàng, số tài sản này vẫn đang nằm “bất động” trong dân.

Làm thế nào để nhà đầu tư trong nước có thể nắm bắt được cơ hội khi giá thế giới biến động từng giây, nhưng vàng trong nước khó liên thông kịp với quốc tế?

Lâu nay, thị trường vàng trong nước không còn xuất, nhập theo chủ trương đưa ra. Vì thế, diễn biến của giá vàng trong nước và quốc tế cũng lỗi nhịp hoặc khó bắt kịp đà tăng, giảm mỗi khi vàng thế giới biến động.

Theo tôi, nhà đầu tư Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến của giá vàng thế giới cũng như nắm bắt được các diễn biến của tình hình địa chính trị để từ đó có thể tìm kiếm được cơ hội trên thị trường vàng đầy biến động này.

Tâm lý của nhà đầu tư trong nước lâu nay vẫn theo xu hướng giá vàng lên đổ xô mua vào và sau đó lo ngại vàng xuống ồ ạt bán ra, nên khó tránh được tình trạng thua lỗ.

Do đó, đầu tư vào vàng cũng không khác các kênh bỏ vốn khác là phải có tầm nhìn dài hạn, khó có thể kiếm được lợi nhuận cao chỉ trong một thời gian ngắn.

Kênh đầu tư nào cũng có hai mặt của nó, lợi nhuận cao rủi ro cũng cao.

Tin bài liên quan