Kiếm lời bậc nhất
Kết quả khảo sát 803 tư vấn tài chính được thực hiện bởi Invesco Consulting cùng R.A. Prince & Associates cho thấy, có 3 dạng thức của ngành tư vấn tài chính bao gồm: quản lý tài sản (cung cấp những dịch vụ tài chính khác nhau cho khách hàng - 28,9%), MFO (không chỉ quản lý tài sản mà còn thêm một số dịch vụ đi kèm như phong cách sống, quản trị đời tư cho các gia đình giàu có - 16,7%) và quản lý đầu tư (tập trung nỗ lực vào dịch vụ quản lý tiền - 54,4%).
Trong 3 hình thức công việc của ngành tư vấn tài chính, quản lý tài sản (wealth management) là loại mang lại lợi nhuận bậc nhất. Cụ thể, các tư vấn tài chính tại cả 3 lĩnh vực này đều kiếm hàng triệu USD mỗi năm nhưng con số của các nhà quản lý tài sản luôn nhỉnh hơn. Hơn 10% các tư vấn tài chính kiếm trên 1 triệu USD, 45% có thu nhập trong khoảng 500.000 – 1 triệu USD mỗi năm.
Trong khi đó, chỉ 7% các MFO có thu nhập trên 1 triệu USD, khoảng 30% có thu nhập trong khoảng 500.000 – 1 triệu USD. Cuối cùng, chỉ 2% các nhà quản lý đầu tư kiếm trên 1 triệu USD mỗi năm.
Thực tế, công việc quản lý tài sản đã có “truyền thống” sinh lời tốt. Việc quản lý tiền của các cá nhân giàu có, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm kèm theo luôn mang lại những phần thưởng xứng đáng cho nhà tư vấn. Đây là lĩnh vực kinh doanh thuộc ngành tài chính có sức hấp dẫn bậc nhất đối với các chuyên gia.
Trong bối cảnh công việc kinh doanh khá suôn sẻ từ xưa tới nay, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử, cùng những bất ổn chính trị tại châu Âu với Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)… khiến những người làm nghề này càng có cơ hội tốt hơn để mở rộng và phát triển.
Tiềm năng rộng mở
Một trong những yếu tố hỗ trợ nghề quản lý tài sản đó là việc chính sách giảm thuế thu nhập của Tổng thống Trump khiến những người giàu có, các tổ chức kinh tế… được giữ nhiều tiền hơn nữa. Điều này dẫn tới việc, các cá nhân, tổ chức này thường lựa chọn một nhà quản lý tài sản có kinh nghiệm, kỹ năng để giao phó việc quản lý khối tài sản của mình.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đa phần các triệu phú tự thân là chủ sở hữu doanh nghiệp, việc giảm thuế doanh nghiệp sẽ giúp các ông chủ này trở nên giàu có hơn. Chưa kể, việc giảm các quy định ràng buộc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp chi phí giảm, lợi nhuận gia tăng.
Điều này sẽ khiến khối tài sản của các doanh nhân ngày một lớn. Trong khi một số cá nhân giàu có tái đầu tư số tiền này vào chính doanh nghiệp của mình, một số đông khác sẽ trao khối tài sản đó vào tay các nhà quản lý tài sản.
Và ngay cả khi quá trình giảm thuế không diễn ra tích cực như dự kiến, thì đội quân những người giàu có vẫn đặt niềm tin vào những nhà quản lý tài sản, bởi đây là các chuyên gia sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của diễn biến này.
Chuẩn bị cho tương lai
Thế giới đang chứng kiến sự chuyển giao tài sản từ thế hệ Baby boomers sang thế hệ X và Y. Các nhà quản lý tài sản không chỉ nhận ra đối tượng khách hàng của mình đã thay đổi, mà đi kèm theo đó là những biến chuyển không ngừng của bối cảnh xung quanh: sự bùng nổ của dữ liệu, công nghệ số trỗi dậy, các robot tư vấn phát triển và chu kỳ đi xuống của nền kinh tế toàn cầu.
Những thay đổi này buộc lĩnh vực quản lý tài sản phải nâng cao sức cạnh tranh và có sự thích nghi nhanh chóng. Để có cái nhìn chính xác nhất từ cả 2 phía: khách hàng và nhà quản lý tài sản, Forbes Insights, cùng Temenos, đã tiến hành khảo sát hơn 60 nhà quản lý tài sản trên toàn cầu và 35 khách hàng sở hữu khối tài sản lớn về những thách thức của ngành quản lý tài sản.
Kết quả cho thấy, 62% khách hàng cho rằng, các dịch vụ hiện tại của ngành quản lý tài sản là tốt, nhưng họ cần có sự trao đổi thường xuyên hơn nữa và nhất định phải có sự kết hợp giữa cách thức truyền thống và công nghệ.
Thực tế, công nghệ chính là cách thức duy nhất để các nhà quản lý tài sản nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nó không thể thay thế hoàn toàn được sự tin tưởng mà khách hàng đã trao cho các chuyên gia quản lý tài sản và hơn ai hết, những nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp sẽ biết cách tạo kênh giao tiếp hiệu quả nhất.