Cụ thể, KDC chỉ đạt 163 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 63% so với năm trước và chỉ đạt 25,5% kế hoạch cả năm. Sau khi thoái vốn khỏi lĩnh vực bánh kẹo, KDC phải làm gì để quay lại đà tăng trưởng?
Thách thức của KDC
Sau 2 năm chuyển đổi ngành nghề kinh doanh chính, CTCP Tập đoàn Kido (mã KDC) đạt kết quả khả quan trong năm 2017. Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 70%, lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40% so với năm 2017.
Ðể đạt kết quả kinh doanh như vậy, KDC đã xây dựng chiến lược tập trung vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu nhờ thế mạnh cạnh tranh tại các công ty thành viên, tối đa hóa chuỗi giá trị của Tập đoàn, khai thác lợi thế chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối với 450.000 điểm bán lẻ trong ngành hàng khô và 70.000 điểm bán hàng lạnh.
Cơ cấu sở hữu của KDC.
Chiến lược phát triển của KDC hướng tới 2 mảng chính là dầu ăn và kem - sữa chua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 2 mảng kinh doanh chính đóng góp trọng số trong cơ cấu doanh thu là dầu ăn và kem - sữa chua đang gặp áp lực cạnh tranh cao.
Ðối với mảng dầu ăn, trước khi có sự xâm nhập của KDC, các doanh nghiệp như Tường An, Nhà Bè và Vocarimex có thể cạnh tranh trực tiếp với nhau. Tính tới 31/12/2018, KDC đã chính thức sở hữu 2 trong 3 doanh nghiệp nội có thị phần dầu ăn lớn là Trường An (vào tháng 11/2016) và Golden Hope Nhà Bè (vào tháng 11/2018), cũng như sở hữu chi phối Vocarimex (vào tháng 7/2017), gián tiếp qua Vocarimex sở hữu 24% của danh nghiệp dầu ăn lớn còn lại trong ngành là Cái Lân.
Theo ước tính trong Báo cáo thường niên năm 2017 của KDC, Tường An đang nắm giữ thị phần 16% và đứng vị trí thứ 2 sau Cái Lân. Sau khi hoàn tất thâu tóm Golden Hope Nhà Bè, thị phần của KDC tiếp tục tăng. Ðược biết doanh số hàng năm của Nhà Bè khoảng 1.300 tỷ đồng, sở hữu các thương hiệu như Marvela, Ông Táo...
Mặc dù KDC đã cơ cấu lại để mỗi doanh nghiệp phát triển mạnh một phân khúc, nhưng áp lực cạnh tranh vẫn gay gắt do Cái Lân ít bị chi phối bởi KDC.
Ðặc biệt, kể từ tháng 5/2017, Việt Nam chính thực chấm dứt thuế tự vệ đối với dầu nhập khẩu nên áp lực cạnh tranh trở nên mạnh mẽ hơn khi nhiều doanh nghiệp nhập khẩu dầu về bán, cũng như nhà đầu tư ngoại đã đầu tư mạnh vào Việt Nam. Chẳng hạn, Tập đoàn Musim Mas, một trong những nhà sản xuất dầu thực vật lớn nhất thế giới, đã xây dựng nhà máy có vốn đầu tư 71,5 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày tại Việt Nam.
Ðiểm đáng lưu ý nữa là ngành hàng dầu ăn không có sự khác biệt lớn về sản phẩm, chủ yếu cạnh tranh bằng thương hiệu, thói quen người tiêu dùng, cũng như giá cả, vì thế các doanh nghiệp trong ngành đã bước vào giai đoạn cạnh tranh về giá.
Năm 2018, giá nguyên vật liệu (chiếm khoảng 90% giá thành) giảm, khiến giá bán dầu cũng giảm khoảng 4,5%. Tại Tường An, doanh thu thuần năm 2018 đạt 4.408 tỷ đồng, tăng trưởng 1,6%, tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 3% so với 3,5% năm 2017. Tại Vocarimex, doanh thu thuần đạt 4.357 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm về 1,7% so với mức cùng kỳ là 3,6%. Doanh thu của cả Tường An và Vocarimex đều giảm cao hơn so với tốc độ giảm của giá vốn làm cho lợi nhuận gộp giảm.
Mảng kem - sữa chua, mảng lớn thứ 2 trong doanh thu, tiếp tục bị cạnh tranh với các thương hiệu lớn, tiềm lực tài chính mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần của Kido Foods (quản lý mảng kem - sữa chua) giảm 15,9% so với năm 2017. Lý do được đưa ra là nhu cầu giảm và cạnh tranh gia tăng ở cả mảng kem - sữa chua, mặc dù trong năm, Công ty liên tục đưa ra các đợt khuyến mại nhãn hàng kem Merino, Celano, Wel Yo & Merino… để thu hút khách hàng.
Kết thúc năm tài chính 2018, Kido Foods (KDC nắm 65% vốn) đạt doanh thu 1.256 tỷ đồng, giảm 15,9%, lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, giảm 84,3% so với năm 2017.
Theo CTCK TP. HCM (HSC), kết quả này tuy thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của ngành, nhưng Kido Foods vẫn đang dẫn đầu thị trường kem lạnh tại Việt Nam với các nhãn hàng nổi tiếng như Merino và Celano, có nền tảng phân phối thực phẩm tươi sống, đông lạnh lớn nhất Việt Nam. Trong khi đó, những doanh nghiệp KDC thực hiện M&A mới đây đều là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, đặc biệt là doanh nghiệp mới tăng sở hữu như Nhà Bè, cần thời gian để cải tổ lại nhằm nâng cao hiệu quả hậu thoái vốn nhà nước.
Cổ đông chờ Ban lãnh đạo KDC tìm ra lời giải
Kết thúc năm tài chính 2018, doanh thu của KDC tăng trưởng 8,42%, song giá vốn có tốc độ tăng giá cao hơn, đạt 13,51%. Tuy KDC đã cố gắng tiết giảm chi phí bán hàng và đặc biệt là chi phí quản lý, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính vẫn âm.
Ðiểm sáng duy nhất là lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết liên tục tăng kể từ thời điểm bán mảng cốt lõi bánh kẹo. Kết thúc năm 2018, lợi nhuận của KDC đạt hơn 163 tỷ đồng, giảm 62% so với năm 2017 và chỉ hoàn thành 25,5% kế hoạch lợi nhuận.
Kể từ khi bán mảng bánh kẹo năm 2015, KDC dùng dòng tiền thu được này trả cổ tức cho cổ đông, trả nợ vay và một phần phục vụ hoạt động M&A để tìm mảng kinh doanh doanh tạo dòng tiền mới. Trước đây, nhờ mảng kinh doanh cốt lõi là bánh kẹo nên dòng tiền kinh doanh liên tục dương và gia tăng đáng kể tài sản cho KDC theo thời gian.
Tuy nhiên, hiện tại, KDC dù đã mở mới sang 2 mảng dầu ăn và kem - sữa chua, song vẫn chưa mang lại hiệu quả. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh vẫn âm liên tục. Cụ thể, năm 2015 âm 154,7 tỷ đồng, năm 2016 âm 130,8 tỷ đồng, năm 2017 âm 69,3 tỷ đồng và năm 2018 âm 97 tỷ đồng. Ðiều này cho thấy, KDC vẫn đang trong quá trình mở rộng đầu tư mới để có thể thể chiếm lĩnh từng lĩnh vực.
Xét yếu tố nền tảng, KDC có nền tảng tốt, tình hình tài chính lành mạnh hơn nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán với hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, hơn 2.700 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn. KDC có vay nợ hơn 2.100 tỷ đồng ngắn hạn và dài hạn. Theo dự tính năm 2018, KDC sẽ trả cổ tức 16% bằng tiền mặt và con số này nằm trong khả năng của Công ty. Nếu cổ phiếu KDC giảm quá sâu, Công ty có khả năng sẽ mua cổ phiếu quỹ, hoặc trả cổ tức hỗ trợ giá trong ngắn hạn.
Với thực tế trên, KDC cần thêm thời gian và tiếp tục đầu tư để tìm "con gà đẻ trứng vàng” như mảng bánh kẹo trước đây. Sau 1 năm kết quả kinh doanh thụt lùi, cổ đông đang rất nóng lòng đợi đến Ðại hội đồng cổ đông 2019 để tìm hiểu Ban lãnh đạo KDC có kế sách gì thúc đẩy tăng trưởng trở lại, vượt qua những áp lực cạnh tranh hiện nay.