Kích tăng trưởng: Những việc thế giới cần làm ngay

Kích tăng trưởng: Những việc thế giới cần làm ngay

(ĐTCK) Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tụ về Washington (Mỹ) trong tuần này để dự cuộc họp 2 năm 1 lần của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). 

Mặc dù cuộc họp lần này không có vấn đề khẩn cấp như những năm sau khủng hoảng tài chính, nhưng triển vọng trung hạn bế tắc của kinh tế toàn cầu cũng đang hối thúc các chính sách gia ngồi với nhau nhằm tìm ra một lời giải. IMF, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của mình, về cơ bản đã thừa nhận giả thiết “đình đốn mãn tính”.

Quỹ này lưu ý rằng, lãi suất thực có thể vẫn cần phải được duy trì ở mức thấp thêm một thời gian đáng kể để tiếp tục kích cầu và tạo việc làm. Vấn đề này càng trở nên bức thiết trước thực tế lạm phát hiện rất thấp so với mức mục tiêu ở các nước phát triển và có thể còn giảm nữa trong năm nay. Nếu không có tăng trưởng mạnh mẽ hơn (nhờ vào các biện pháp kích cầu) ở các thị trường phát triển thì tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi có thể chịu hệ lụy. Đó là chưa kể các thách thức chính trị đang đối diện với rất nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Nam Phi, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đứng trước vấn đề tổng cầu yếu, chiến lược cơ bản của thế giới là nới lỏng tiền tệ. Hiện lãi suất cơ bản vẫn ở mức thấp sát sàn tại hầu hết các nước phát triển và các ngân hàng trung ương đều bày tỏ sẽ không tăng sớm. Dù Mỹ đang thu hẹp gói nới lỏng định lượng, nhưng Nhật vẫn tiếp tục chính sách kích thích quy mô lớn, và khu vực đồng euro dường như đang tiến gần hơn đến biện pháp này. Tất cả những động thái này đều tốt hơn biện pháp thắt chặt tiền tệ của những năm 1930, từng dẫn đến Đại suy thoái. Nhưng chúng cũng có những vấn đề về mặt chiến lược.

Hiện không có cơ sở vững chắc nào cho giả định rằng, việc giảm lãi suất từ mức rất thấp hiện nay có thể tác động mạnh đến quyết định của người tiêu dùng. Trong khi đó, bất kỳ hành vi tiêu dùng nào là phản ứng với việc giảm lãi suất cũng chỉ có xu hướng kéo tổng cầu tịnh tiến về phía trước chứ không phải lên trên - không tăng.

Theo lẽ thông thường, việc giảm lãi suất sẽ khuyến khích các chủ thể kinh tế đi vay tiền. Chúng cũng đặt áp lực lên các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cho xứng với rủi ro tăng lên, thổi phồng giá trị tài sản và thúc đẩy các hoạt động tài chính. Nhưng không ai có thể chắc chắn về tác động cuối cùng của biện pháp này đối với các thị trường, cũng như đối với niềm tin của nhà đầu tư. Cùng với nới lỏng tiền tệ, đầu tư công cũng được xem làm một biện pháp kích cầu hiệu quả. Nhưng chính sách này đang được nhiều nước vận dụng một cách sai lầm. 

Tại Mỹ, chính sách này một thời phát huy hiệu quả rất tốt. Việc tăng cường chi tiêu cho kết cấu sẽ làm giảm gánh nặng lên các thế hệ tương lai, không chỉ bởi nó thúc đẩy tăng trưởng mà còn làm tăng công suất của nền kinh tế.

Trái lại, ở Nhật Bản, việc tăng thuế tiêu dùng hôm 1/4 cho thấy nước này đang chịu áp lực thắt chặt tài khóa lớn. Tuy nhiên, tăng thuế rõ ràng là phản kích cầu và chỉ cần đình đốn và giảm phát quay trở lại thì khả năng trả nợ của nước này sẽ ngay lập tức bị đặt câu hỏi. Nhật sẽ ôm vào một rủi ro nghiêm trọng nếu nước này chọn cách chờ đợi để quan sát thay vì khẩn trương tiến hành các biện pháp cải cách tài khóa và cơ cấu để khuyến khích tiêu dùng.

Còn với châu Âu, mặc dù đã tránh xa được bờ vực đổ vỡ, nhưng việc không có chiến lược lâu dài cho tăng trưởng đang dẫn châu lục này đến với vũng lầy giảm phát. Những hành động mạnh mẽ để khôi phục hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng, cũng như các biện pháp kích cầu ở các nước ngoại vi, nơi thách thức cạnh tranh vẫn còn, là cực kỳ khẩn thiết.

Nếu dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi giảm sút, và vì thế mà các thị trường này ngày càng trở thành nước xuất khẩu ròng, thì sẽ rất khó để nhìn thấy nơi nào trong thế giới phát triển có thể thoát khỏi trì trệ trong điều kiện suy giảm cán cân thương mại. Do đó, các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu vốn và hàng hóa tới các thị trường mới nổi là cần thiết. Quan trọng nhất là các bước đi chính trị nhằm tái cam kết về các mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy ở một số nước, nơi mà chính phủ có dấu hiệu thiếu tôn trọng các quyền hợp đồng và quyền tài sản, đồng thời cung cấp cho nhà đầu tư sự bảo vệ cũng như hỗ trợ tài chính.

Ngoài ra, các sáng kiến cũng cần được đưa ra để làm sao huy động được hàng nghìn tỷ USD tài sản công đang được nắm giữ bởi các ngân hàng trung ương và các quỹ, phục vụ kích thích tăng trưởng.

Trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, tác động tổng hợp của các biện pháp này có thể lớn hơn tổng các tác động riêng lẻ của chúng. Ngược lại, một chính sách thất bại của một quốc gia có thể nhanh chóng lan ra các nước khác. Đó là lý do tại sao một chiến lược tăng trưởng toàn cầu, thay vì các chính sách riêng rẽ của mỗi nước, nên được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp IMF tuần này. 

Tin bài liên quan