Sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Ảnh: Đức Thanh
Nền kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực
Thêm một tháng nữa, nền kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Tổng cục Thống kê, khi công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô, đã dùng rất nhiều từ “tích cực” để nói về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Một trong số đó là sản xuất công nghiệp. “Sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
Theo đó, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước - cao hơn nhiều so với mức giảm 2% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3%, trái ngược với mức giảm 2,6% của cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%.
Điều đáng nói, theo Tổng cục Thống kê, IIP 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước đã tăng ở 55 địa phương và giảm ở 8 địa phương trên cả nước. Trong số các địa phương có IIP tăng, cao nhất là Phú Thọ, với mức tăng 31,2%. Trong khi đó, Bắc Giang tăng 24,9%; Bình Phước tăng 14,8%; Hà Nam tăng 14,5%; Hải Phòng tăng 14,4%.
Tín hiệu tích cực là, Bắc Ninh - một trung tâm công nghiệp ở khu vực phía Bắc, sau một thời gian liên tục suy giảm, đã tăng trưởng 0,05% trong 5 tháng qua. Mức tăng rất thấp, nhưng là chỉ báo cho thấy, những khó khăn trong sản xuất công nghiệp của tỉnh này đang dần được khắc phục.
Sản xuất công nghiệp phục hồi đã thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2024 đạt tới 32,81 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, con số ước là 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu tháng 5/2024 cũng tích cực, ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước và tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, con số là 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô khác có thể chứng minh xu hướng ngày càng tích cực hơn của nền kinh tế. Chẳng hạn, 5 tháng, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt trên 11 tỷ USD, tăng 2%; giải ngân đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái; thu hút khách du lịch quốc tế đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra Covid-19…
“Tình hình doanh nghiệp cũng có chuyển biến rất tốt trong tháng 5 vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 20.000 doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói như vậy hôm giải trình trước Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết, tính chung 5 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại lớn hơn số rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, 5 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 98.825 doanh nghiệp, còn số doanh nghiệp rút lui là 97.299 doanh nghiệp.
“Kích” sản xuất để thúc tăng trưởng
Cần cân nhắc điều chỉnh tăng, giảm một số nguồn thuế cho phù hợp. Đồng thời, tận dụng tối đa mọi chính sách trong ngắn hạn để kích thích tiêu dùng, kể cả chi tiêu của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu mở rộng tín dụng tiêu dùng cho phù hợp.
- Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương)
Dù xu hướng của nền kinh tế là tích cực, song thực tế, khó khăn còn lớn. Sản xuất công nghiệp tuy phục hồi, nhưng vẫn chậm. Thực tế, mức tăng 6,8% của IIP 5 tháng đầu năm vẫn thấp, lại dựa trên nền giảm tới 2% của cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm cũng là nỗi lo của các đại biểu Quốc hội. Vì thế, khi phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm cả các ngành công nghiệp 4.0.
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), để công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành “trụ đỡ” và là nền tảng, động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế, nên nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá, để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Dẫn câu chuyện Hàn Quốc có gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan, thì cần có những cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế.
Đây chính là vấn đề mà lâu nay Chính phủ đề cập rất nhiều, về các động lực tăng trưởng mới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời bổ sung các động lực mới, mô hình kinh tế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, hay các ngành công nghiệp mới nổi như sản xuất chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, đây là các giải pháp trong dài hạn. Trong ngắn hạn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng được các đại biểu Quốc hội cho là rất quan trọng.
“Kinh tế thế giới ngày nay đang xuất hiện nhiều hình thức như chạy đua vũ trang, xung đột địa chính trị, cạnh tranh thương mại toàn cầu, cạnh tranh các nước lớn, do đó dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Vì thế, tôi kiến nghị chúng ta phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân…”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong bối cảnh tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng rất chậm, cần có “cú huých mạnh” cho kích cầu tiêu dùng. Cần khẩn trương đưa ra lộ trình tiếp tục giảm thuế VAT rõ ràng và có kỳ hạn đủ dài, ít nhất là 1 năm, tránh quá ngắn và điều chỉnh liên tục như hiện nay để tăng hiệu quả kích cầu.
Thậm chí, để kích cầu tiêu dùng, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), Chính phủ cần đặc biệt quan tâm thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo chuyển biến rõ nét sức cầu tiêu dùng, cả chi tiêu công hợp lý và tiêu dùng tư nhân.
“Cần phát huy vai trò của các đầu tàu kinh tế trong phát triển tiêu dùng. Đây có lẽ là câu chuyện không mới, song lại cấp thiết trong bối cảnh một số động lực tăng trưởng hay các vùng kinh tế trọng điểm có mức tăng trưởng còn khiêm tốn, làm giảm vai trò và mức đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.
Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng chính là cách để “kích” sản xuất - kinh doanh, thông qua đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.