Kích hoạt “siêu” Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II

0:00 / 0:00
0:00
Các điều kiện để khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vào ngày 1/1/2023 đã hoàn tất.
Kích hoạt “siêu” Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II

Xong các điều kiện cần

“Đến thời điểm này, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II đều đã hoàn thành việc đánh giá hồ sơ đề xuất của 12 gói thầu được lựa chọn khởi công vào ngày 1/1/2023. Những đơn vị thi công được chọn đều là những nhà thầu loại 1, có năng lực và kinh nghiệm được kiểm chứng trên thực tế”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết.

Một điều kiện quan trọng khác cũng đã được các đơn vị chủ đầu tư hoàn tất sau gần 1 năm triển khai rốt ráo là mặt bằng thi công. Tính đến ngày 28/12, các địa phương bàn giao mặt bằng cho 12 gói thầu khởi công vào ngày 1/1/2023 bảo đảm các điều kiện khởi công của các dự án.

Một số địa phương đã cơ bản bàn giao được 70% mặt bằng đáp ứng tiến độ yêu cầu, riêng gói thầu thuộc tỉnh Quảng Trị, Phú Yên do một số nguyên nhân khách quan nên việc bàn giao chưa đạt được mốc 70%, nhưng vẫn bảo đảm bàn giao mặt bằng để phục vụ khởi công theo quy định.

“Trong thời gian tới, các địa phương sẽ quyết liệt tổ chức triển khai để bàn giao nốt các diện tích còn lại trong quý II/2023 đúng như tiến độ yêu cầu của Chính phủ”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Do các gói thầu đều có thời gian thi công là 34 tháng, nên các nhà thầu sẽ phải chuẩn bị công địa, tiếp cận các mỏ vật liệu để thi công ngay.

“Chắc chắn cả 2 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I và giai đoạn II mà đơn vị đảm nhận đều sẽ thi công xuyên Tết”, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty HHV, đơn vị được giao Gói thầu XL1, Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dài 30 km, giá trị 3.800 tỷ đồng cam kết.

Thách thức nguồn vật liệu

Được biết, trong số 25 gói thầu xây lắp thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Gói thầu XL01 thuộc Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có quy mô lên tới gần 8.000 tỷ đồng.

Đây là gói thầu sử dụng vốn trong nước, có quy mô, giá trị lớn nhất đối với công trình đường bộ tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã hoàn thành công tác lựa chọn gói thầu này, liên danh nhà thầu tham gia gồm các thành viên Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng 36, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam.

Thách thức lớn nhất tại gói thầu triển khai ở vùng lõi Đồng bằng sông Cửu Long này chính là việc tìm đủ nguồn vật liệu thông thường như đất đắp, cát, sỏi đảm bảo chất lượng và số lượng. Đây cũng là khó khăn chung của các nhà thầu tại 25 gói thầu xây lắp toàn Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng) đánh giá, để bảo đảm tiến độ dự án, yếu tố vật liệu rất quan trọng.

Theo tính toán, Dự án Cần Thơ - Hậu Giang cần trữ lượng cát khoảng 18,5 triệu m3. Trong hơn 1 tháng qua, nhà thầu, chủ đầu tư và Bộ GTVT đã làm việc với các tỉnh trong khu vực để xác định trữ lượng cát của địa phương. Qua đó cho thấy, các địa phương đáp ứng được trữ lượng vật liệu nhưng lượng cấp phép cho các mỏ còn thấp. Các địa phương như tỉnh An Giang đã khẳng định sẽ mở rộng cấp phép cho các mỏ để đáp ứng yêu cầu của dự án.

“Chúng tôi sẽ sớm phối hợp với địa phương, Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT để nhận được quyết định cấp phép mở rộng mỏ, đủ điều kiện thi công dự án ngay. Trước mắt, nguồn vật liệu sẽ lấy ở các mỏ của doanh nghiệp địa phương đang khai thác, sau đó binh đoàn sẽ chủ động khai thác các mỏ”, ông Ngọc thông tin.

Tin bài liên quan