Theo luật Việt Nam, với những hợp đồng có ngành nghề chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, hoặc những hợp đồng quốc tế do dịch bệnh mà không thể thực hiện đúng theo thỏa thuận, có thể dựa vào yếu tố “bất khả kháng” để miễn trừ nghĩa vụ hợp đồng, theo ông?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền.
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới mọi thành phần kinh tế của Việt Nam, cũng như hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một trong những hệ lụy là những giao dịch, thoả thuận thương mại giữa các đối tác không thể thực hiện được. Đây là nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp pháp lý thời hậu dịch.
Theo Khoản 1. Điều 156 - Bộ luật Dân sự 2015, sự kiện bất khả kháng phải hội tụ 4 điều kiện sau:
- Thứ nhất, sự kiện xảy ra khách quan, tức là sự kiện bị tác động bởi các ngoại cảnh, không phải do hành vi của các chủ thể thực hiện hợp đồng, ví dụ như bão lũ, chiến tranh, dịch bệnh…
- Thứ hai, sự kiện không thể lường trước được, tức là nằm ngoài ý chí của chủ thể, chẳng hạn như việc hạn chế di chuyển từ vùng này sang vùng khác theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 lây lan.
- Thứ ba, sự kiện có yếu tố “không thể khắc phục được”. Có thể hiểu rằng, hậu quả của sự kiện là không thể khắc phục, cho dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
- Thứ tư, sự kiện dẫn đến hậu quả là bên bị ảnh hưởng không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng. Có nghĩa là, sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp làm bên bị ảnh hưởng không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng.
Theo Khoản 2, Điều 351 - Bộ Luật Dân sự, khi sự kiện bất khả kháng diễn ra, bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là phải chứng minh tác động của dịch bệnh là nguyên nhân duy nhất và trực tiếp khiến doanh nghiệp không thể thực hiện nghĩa vụ, phải chứng minh rằng doanh nghiệp đã làm mọi cách mà không thể khắc phục.
Việc chứng minh hệ quả của dịch Covid-19 và đề xuất thay đổi trách nhiệm dân sự ấy phải được bên bị ảnh hưởng thông báo cho bên kia bằng văn bản. Thậm chí nhiều trường hợp để xác định có bất khả kháng hay không thì chỉ có tòa án mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng.
Phải chăng mọi loại hợp đồng đều có thể kích hoạt điều khoản bất khả kháng?
Trên thực tế, không phải ngành nghề, lĩnh vực nào cũng có thể áp dụng trường hợp “bất khả kháng” do dịch Covid-19.
Ví dụ, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc cách ly xã hội vẫn loại trừ một số lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu được phép hoạt động cẩn trọng trong thời gian này. Để kích hoạt chế định “bất khả kháng” theo mùa dịch Covid-19 thì tùy thuộc vào từng trường hợp/hợp đồng và phải có những thủ tục, tiến trình cụ thể mới có thể xác định được.
Mặt khác, dù sự kiện liên quan tới Covid-19 đã xảy ra, nhưng không phải đương nhiên được áp dụng yếu tố “bất khả kháng” nếu không có được sự thỏa thuận hay thông báo bằng văn bản hoặc hình thức khác được ghi nhận.
Vậy doanh nghiệp hay nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh nên ứng phó thế nào?
Như đã phân tích ở trên, để dịch Covid 19 là sự kiện bất khả kháng thì phải đáp ứng đủ 4 điều kiện trên.
Xét 2 điều kiện đầu tiên theo luật dường như đại dịch Covid-19 đã hội tụ đủ, nhưng để xác định đó có phải là sự kiện bất khả kháng hay không thì cần lưu ý tới 2 điều kiện mang tính định tính, nghiêng về khả năng thu thập bằng chứng sau đó.
Theo đó, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng cần tiến hành các bước sau đây để đảm bảo quyền lợi của mình:
+ Thông báo với bên đối tác về những khó khăn trong thực hiện hợp đồng: Bên không thực hiện được phần nghĩa vụ theo hợp đồng cần nhanh chóng thông báo cho bên còn lại của hợp đồng về ảnh hưởng của sự kiện được coi là bất khả kháng đối với việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình để giảm bớt tối đa thiệt hại phát sinh.
+ Đàm phán lại hợp đồng: Đàm phán lại hợp đồng đối với phần nghĩa vụ có thể không thực hiện được do dịch Covid 19. Đây nên là phương án được ưu tiên đầu tiên trước khi tính đến yếu tố pháp lý.
+ Thu thập chứng cứ bổ sung: Doanh nghiệp cần lưu lại các bằng chứng thể hiện được rằng mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, nhưng vẫn không thể thực hiện được phần nghĩa vụ của doanh nghiệp theo hợp đồng. Việc lưu giữ bằng chứng này là hết sức quan trọng để xác định yếu tố “không thể thực hiện được” của trường hợp bất khả kháng theo quy định của luật.
+ Cuối cùng, để các bên cùng có lợi, hướng đến hợp tác lâu dài theo nguyên tắc thương mại, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét đến việc sử dụng phương án hòa giải thương mại để thỏa thuận lại các điều khoản hợp đồng.