Kích hoạt đầu tư giai đoạn 2 cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vốn 10.295 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư đang góp mặt trong giai đoạn 1 cam kết vượt khó để đồng hành với Chính phủ trong việc triển khai giai đoạn 2 Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dù thời gian hoàn vốn lên đến 30 năm.

Tập đoàn Đèo Cả vừa tổ chức hội nghị các nhà đầu tư, nhà thầu để nghiên cứu xúc tiến đầu tư thực hiện Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2 được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công vào cuối quý III/2025.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả.

Chương trình do ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo gần 20 doanh nghiệp là các nhà đầu tư, nhà thầu quan tâm dự án, các ngân hàng thương mại.

Hoàn thành giai đoạn 1 đúng hẹn

Theo ông Hồ Minh Hoàng, hội nghị này được tổ chức nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm cần rút ra trong quá trình triển khai giai đoạn 1 theo phương châm: “xác định xong việc cũ thì mới bàn việc mới”.

Với vai trò là nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả muốn cùng các bên trao đổi, chia sẻ những khó khăn, đề xuất các giải pháp giải quyết yêu cầu đường găng tiến độ của giai đoạn 1 và đưa giải pháp phối hợp hiệu quả hơn, tránh lãng phí … nếu tiếp tục tham gia giai đoạn 2 Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các dự án khác sau này.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Linh Giang, trong quá trình tham gia thực hiện giai đoạn 1, đơn vị này nhận thấy đây là một “sân chơi” lớn, chuyên nghiệp. Làm việc với Đèo Cả thuận lợi vì được hỗ trợ nhà đầu tư dẫn dắt hướng dẫn, từ công tác phối hợp giải phóng mặt bằng, chỉ đạo thi công, thanh toán...

Công ty cổ phần Linh Giang hy vọng tiếp tục được Đèo Cả đồng hành, hỗ trợ tuyển mới, đào tạo CBCNV, đào tạo nâng cao cả năng lực quản lý cán bộ kỹ thuật, vận hành xe máy trên công trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Vũ Anh, Tổng giám đốc CTCP Xây dựng nền móng Long Giang bày tỏ ấn tượng với cách làm quyết liệt của Đèo Cả, tạo khí thế hứng khởi để Long Giang làm việc và cống hiến. Đồng thời, khẳng định quyết tâm dành nguồn lực chủ chốt của mình để cùng đồng hành Đèo Cả các dự án tiếp theo.

Theo Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, với vai trò nhà đầu tư dẫn dắt, đơn vị này ý thức được trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp là đối tác cùng phát triển, chia sẻ nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ mới.

Ở chiều ngược lại, các đối tác của Đèo Cả cũng cần phải coi việc cho cán bộ, người lao động tham gia học tập, phát triển không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm để các đơn vị ngày càng trưởng thành nhằm cùng nhau hình thành một hệ sinh thái các nhà đầu tư - nhà thầu có năng lực, sẵn sàng đồng hành Tập đoàn tại các dự án quy mô lớn hơn, yêu cầu kỹ thuật cao hơn như đường sắt, metro…

Ở góc độ ngân hàng, bà Nguyễn Thị Khánh Hòa, Trưởng phòng kinh doanh Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết ngân hàng vẫn bám sát các công việc tại giai đoạn 1 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn tín dụng.

Đối với giai đoạn 2, đại diện VPBank cho biết đã nắm bắt thông tin và sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư nghiên cứu dự án để trình lãnh đạo ngân hàng phương án tham gia tài trợ vốn.

“VPBank đã làm việc và tài trợ vốn cho các dự án của Đèo Cả từ nhiều năm trước khi giải cứu Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay là Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1, chúng tôi rất tin tưởng doanh nghiệp thì mới đồng hành chặng đường dài thế”, bà Hòa nói thêm.

Kỳ vọng lớn từ mô hình PPP++

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, nếu được cấp có thẩm quyền chính thức giao là nhà đầu tư Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2, Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục áp dụng mô hình PPP++.

Đây là mô hình sẽ giúp đa dạng hoá nguồn lực bao gồm huy động vốn và gia tăng việc thực thi, giảm thiểu rủi ro về chất lượng trong suốt quá trình triển khai thi công và vận hành khai thác thu phí sau này bởi chính các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia đều phải chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm do mình làm ra.

Mô hình này đã được doanh nghiệp áp dụng tại Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 và Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Ông Huy cho biết thêm là các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia đồng thời với vai trò nhà đầu tư thứ cấp, cùng triển khai thi công dự án theo mô hình tổng thầu thiết kế - thi công (EC), hoặc thiết kế - cung cấp thiết bị - thi công (EPC).

Phương thức này góp phần đẩy nhanh tiến độ, tối ưu hiệu quả đầu tư khi lợi nhuận từ nhà thầu thi công được tích góp từ khâu khấu hao máy móc, tối ưu năng suất lao động được đưa trở lại tham gia góp vốn đầu tư dự án, gắn chặt lợi ích và trách nhiệm của mỗi nhà thầu, nhà đầu tư.

Tập đoàn Đèo Cả sẽ tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đối tác đào tạo nhân lực thông qua mô hình phối hợp với các trường đại học, cao đẳng tổ chức các khoá đào tạo công nhân thực hành và kỹ sư thực chiến.

Cụ thể, đào tạo công nhân tay nghề cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu công việc thực tế và kỹ sư có kiến thức quản lý dự án. Đặc biệt việc đào tạo văn hoá, các quy tắc ứng xử trên công trường với kiến thức an toàn lao động, kỹ năng sơ cứu cấp cứu đã được chú trọng ngay từ đầu…

Bên cạnh đó, Đèo Cả tăng cường đào tạo ứng dụng công nghệ số, mô hình thông tin công trình (BIM) để kiểm soát tiến độ giải phóng mặt bằng, tối ưu trong thiết kế, thi công và minh bạch chi phí.

Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng, mô hình PPP++ sẽ góp phần làm cho các dự án PPP trở nên khả thi hơn, nhất là tại các địa phương có nhu cầu phát triển kinh tế lớn nhưng lưu lượng xe và doanh thu thấp.

“Việc này giảm được gánh nặng cho NSNN khi “nhà nghèo nhưng đông con”, nhiều việc phải trông đợi từ nguồn ngân sách Nhà nước”, ông Hồ Minh Hoàng ví von.

Bên cạnh đó, mô hình PPP++ cho phép tập hợp các doanh nghiệp trong ngành cùng tham gia, phân cấp vai trò các nhà đầu tư, nhà thầu để cùng phát triển, đồng thời tối ưu hoá việc quản lý rủi ro, đảm bảo các bên liên quan đều có trách nhiệm trong suốt vòng đời dự án.

“Khi mốc tiến độ hoàn thành Dự án được rút ngắn tới 1 năm thì đồng nghĩa với việc chúng ta đã phải tăng cường nhân lực, máy móc. Trong bối cảnh chi phí tăng nhưng chưa được tính toán bù đắp thì lại càng cần phải đồng lòng. Khi minh bạch được các khoản chi phí đóng góp, sức mạnh hợp lực của các doanh nghiệp sẽ tăng lên. Chìa khóa thành công chính là nằm ở việc triển khai mô hình PPP++”, ông Hồ Minh Hoàng đánh giá.

Là một trong những nhà đầu tư “kiên định” tham gia vào Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh giai đoạn 1 ngay từ bước chuyển bị đầu tư, ông Nguyễn Bá Khương cho hay, mô hình này giúp cộng nguồn lực, là chìa khoá để triển khai dự án với quy mô lớn, khó, phức tạp, và khẳng định đây chính là sự đột phá của Tập đoàn Đèo Cả khi sáng tạo đưa ra mô hình này, nếu tiếp tục được áp dụng ở giai đoạn 2 chắc chắn sẽ giúp dự án được triển khai nhanh chóng, thuận lợi hơn.

PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho hay, mô hình PPP++ có tính sáng tạo ở chỗ không chỉ có một doanh nghiệp, mà là sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cùng góp sức. Điều này giúp dự án tăng tính khả thi, giảm rủi ro, và từ đó huy động được nhiều nguồn lực xã hội quan tâm tham gia hơn.

“Đây là cách làm tôi cho là rất sáng tạo, rất thực tế và cần được nhân rộng”, ông Trần Chủng đánh giá.

Thi công dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại gói thầu Km8+500-Km16+000 (xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).
Thi công dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại gói thầu Km8+500-Km16+000 (xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

Điều kiện cần để dự án khả thi

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 2 mở rộng toàn bộ 93,35 km giai đoạn 1, đồng thời làm mới 27,71 km đường cao tốc kết nối lên đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Theo Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 13/02/2025 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư ngay giai đoạn 2 đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với quy mô 4 làn xe theo phương thức PPP, áp dụng cơ chế như giai đoạn 1.

Trong chuyến công tác thị sát tình hình thực hiện Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 vào ngày 2/2/2025, Thủ tướng giao các bộ, ngành hướng dẫn địa phương phương án thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm bố trí vốn, địa phương tiếp tục ưu tiên giao cho những doanh nghiệp đã làm tốt giai đoạn 1.

Đại diện nhà đầu tư nghiên cứu dự án cho biết, tổng mức đầu tư giai đoạn Dự án PPP đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 2 dự kiến khoảng 10.295 tỷ đồng, trong đó 7.206 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm gần 70% tổng mức đầu tư theo đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng), 576 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.513 tỷ đồng vốn huy động.

Ông Hồ Minh Hoàng khẳng định, về bản chất đây không phải là cơ chế ưu đãi dành cho các nhà đầu tư mà phần vốn góp này của Nhà nước sẽ giúp đảm bảo tính khả thi tài chính cho các dự án PPP hạ tầng được triển khai tại các địa bàn khó khăn.

Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia tăng, đồng nghĩa thời gian thu phí sẽ giảm, giúp nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn, khơi thông nguồn lực để quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phát triển theo đúng mục tiêu, quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chia sẻ quan điểm nói trên, PGS. TS Trần Chủng cho biết, cơ chế này giúp dự án khả thi hơn khi thời gian thu phí giảm đi, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư trong đó có ngân hàng dễ hơn.

Các tổ chức tín dụng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn, khơi thông nguồn lực để tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng mục tiêu, quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.

“Tăng phần vốn NSNN vào các dự án PPP đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ Nhà nước làm những công trình công, dịch vụ công mà đáng lẽ Nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện. Tư nhân tham gia được bao nhiêu phần vốn vào dự án, đồng nghĩa với việc giảm được gánh nặng cho NSNN được bấy nhiêu phần”, ông Trần Chủng phân tích.

Tin bài liên quan