"Kích hoạt" biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Hiện có 9 biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm thép bao gồm thép mạ và thép cán nóng.
Việt Nam vừa áp thuế chống bán phá giá tạm thời thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việt Nam vừa áp thuế chống bán phá giá tạm thời thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong nỗ lực bảo vệ sản xuất nội địa trước sự đổ bộ của hàng hóa nhập khẩu, bán phá giá, quý I/2025, Bộ Công thương cho biết, Bộ này tiếp tục điều tra 3 vụ việc chống bán phá giá, 3 vụ việc rà soát cuối kỳ và 3 vụ việc rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã khởi xướng trong năm 2024 (trong đó đã hoàn thành 01 vụ việc); khởi xướng rà soát 1 vụ việc rà soát mới.

Như vậy, đến hiện tại, có 9 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm thép bao gồm thép mạ và thép cán nóng.

Liên quan đến 1 trong 2 vụ việc đang trong quá trình điều tra, hôm 1/4, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 914⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc trong thời hạn 120 ngày.

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cao nhất là 37,13% đối với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và 15,67% đối với hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc.

Theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện điều tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nước ngoài, các doanh nghiệp nhập khẩu để đưa ra kết luận cuối cùng của vụ việc này.

Các biện pháp phòng vệ thương mại này đã và đang góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Ở chiều ngược lại, Bộ Công thương đẩy mạnh công tác ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Dữ liệu thống kê mới nhất, đến hết tháng 3/2025, đã có 282 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (153 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (59 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (39 vụ việc) và chống trợ cấp (31 vụ việc).

Đối với các vụ việc này, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tháng 3/2025, Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống trợ cấp với sản phẩm đúc bằng sợi và vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu từ Việt Nam với kết quả khá tích cực khi thuế chống trợ cấp đối với các doanh nghiệp hợp tác trong hai vụ việc lần lượt là 3,39% và 2,15%.

EU cũng mới ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng, trong đó một doanh nghiệp lớn của ta không bị áp thuế.

Để giúp các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn trước nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh, Bộ Công thương nói sẽ thường xuyên cập nhật danh sách, đăng tải thông tin cảnh báo sớm các mặt hàng có khả năng bị nước ngoài điều tra trên trang thông tin điện tử của Cục Phòng vệ thương mại và của Bộ Công thương, đồng thời gửi thông báo đến các cơ quan, hiệp hội liên quan.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các chính sách thuế quan khác của Mỹ để báo cáo Chính phủ và thông báo đến các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan.

Tin bài liên quan