Kích gia tốc đại dự án sân bay Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Dự án sân bay Long Thành là một trong nhiều dự án trọng điểm mà lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chủ trì họp giao ban tiến độ thời gian qua để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc triển khai.
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thông điệp quyết liệt trong triển khai các đại dự án giao thông để góp thêm động lực cho tiến trình phục hồi kinh tế của Chính phủ một lần nữa được thể hiện rất rõ trong cuộc họp trực tuyến về Dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì mới đây.

Đây là một trong nhiều dự án trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ trực tiếp chủ trì họp giao ban tiến độ trong thời gian qua để tháo gỡ khó khăn, đôn đốc triển khai.

Tại cuộc họp về tiến độ sân bay Long Thành, Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai - chủ đầu tư Dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường tái định cư phải bàn giao toàn bộ 5.000 ha mặt bằng sạch trước 31/12/2021; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm hoàn tất công tác chuẩn bị, thiết kế kỹ thuật để khởi công hạng mục nhà ga hành khách với số vốn hơn 50.000 tỷ đồng trước tháng 3/2022, khởi công các hạng mục sân đỗ và đường cất/hạ cánh vào tháng 8/2022.

Đây là những đường găng tiến độ mang tính quân lệnh mà các đơn vị liên quan có nghĩa vụ hoàn thành đúng hạn nếu muốn đưa Dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I - công trình hạ tầng hàng không có quy mô vốn lớn nhất từ trước đến nay, được đánh giá là một trong các dự án động lực của cả nước - về đích vào cuối năm 2025 như yêu cầu của Quốc hội.

Trên thực tế, đây là công trình nhận được sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và Quốc hội. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, Dự án đã được bố trí đủ 22.856 tỷ đồng từ Ngân sách Nhà nước phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng với nhiều cơ chế ưu đãi chưa từng có trong tiền lệ. Bản thân ACV cũng đã cân đối xong 99.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn tích lũy trong suốt hơn 20 năm hoạt động của doanh nghiệp.

Mặc dù các bên liên quan đã có nhiều cố gắng, nhưng sau gần 2 năm triển khai, những nguy cơ tiềm ẩn làm chậm tiến độ Dự án đã xuất hiện, trong đó lo lắng nhất là tiến độ triển khai Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đang chậm so với tiến độ được duyệt và kế hoạch vốn được phân bổ, có thể gây hiệu ứng domino đến các hạng mục quan trọng khác.

Lo lắng của lãnh đạo Chính phủ là có cơ sở, bởi lũy kế giải ngân đến đầu tháng 10/2021 tại Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mới đạt hơn 10.698/22.850 tỷ đồng vốn đã bố trí (tương đương 46,81%). Diện tích đất đã thu hồi tại Dự án mới đạt 1.284,57/2.532 ha, bằng 50,7%.

Cần phải nói thêm rằng, giải phóng mặt bằng các dự án hạ tầng công cộng chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là với một công trình có quy mô rất lớn, nguồn gốc đất phức tạp, lại có gần 1 năm, địa bàn triển khai Dự án chịu ảnh hưởng khá nặng bởi dịch Covid-19.

Tuy nhiên, khó khăn trên chỉ là nhất thời. Các chủ đầu tư tuyệt đối không thể coi đó là lý do tiếp tục để tiến độ lụt sâu, nhất là khi những đồng vốn đầu tư tại Dự án được giải ngân sớm không chỉ trực tiếp phát triển kinh tế địa phương, ổn định đời sống người dân vùng dự án, mà còn là trách nhiệm thực hiện nghiêm kỷ luật đầu tư xây dựng tại những dự án trọng điểm quốc gia.

Đối với những dự án lớn như sân bay Long Thành, để chậm khai thác ngày nào là làm tăng nguy cơ lỡ cơ hội trở thành một cảng hàng không trung chuyển trong khu vực, nhất là các quốc gia lân cận đang đầu tư rất mạnh để mở rộng kết nối hàng không.

Yêu cầu đặt ra lúc này là các bộ, ngành trung ươBảo ng cần tăng cường phối hợp, chung tay hỗ trợ chủ đầu tư các dự án thành phần, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm tiến độ công trình. Dùng “bàn tay sắt” là việc đặng chẳng đừng, nhưng giải pháp này sẽ buộc người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân, tiến độ các dự án lớn phải chuyển động.

Bài học kinh nghiệm cho thấy, tiến độ triển khai các dự án lớn, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách chỉ có thể đạt được kết quả tích cực nếu các chủ đầu tư nhận diện được những rủi ro phát sinh trên công trường, qua đó xây dựng được kế hoạch, lộ trình cụ thể để tăng tốc ngay trong giai đoạn đầu. Đặc biệt, cần có biện pháp kịp thời loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, gây nhũng nhiễu, tiêu cực hoặc thao túng, chi phối trong quản lý vốn đầu tư công, đấu thầu.

Tinh thần phải quyết liệt như vậy thì mới có thể thúc đẩy được tiến độ, kích gia tốc các dự án trọng điểm, đẩy nhanh vốn đầu tư công, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép là vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa ổn định, phát triển sản xuất, duy trì tăng trưởng kinh tế mà Thủ tướng đã giao.

Tin bài liên quan