Kích cầu nội địa cao hơn cho tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định về xu hướng tín dụng, lãi suất trong bối cảnh biến động thuế quan.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ những tháng đầu năm, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 3/2/2025 đạt 0,19% (so với đầu năm), đến ngày 12/3/2025 đạt 1,24% và đến ngày 25/3/2025 là 2,49% và 31/3/2025 là 3,93%. Ông có nhận định gì về diễn biến này?

Diễn biến tăng trưởng tín dụng thời gian qua tích cực, có thể lý giải ở một vài nguyên nhân:

Thứ nhất, xuất khẩu vào Mỹ có xu hướng “front loading” để dự phòng mức thuế tăng cao, nghĩa là xuất khẩu trước để hưởng mức thuế thấp, một trong các biện pháp doanh nghiệp đề phòng rủi ro thuế quan. Chính vì vậy, xuất khẩu trong quý I/2025 tương đối khả quan, nếu nhìn vào số liệu được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3 đạt 38,51 tỷ USD, tăng 23,8% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, các biện pháp cải cách trong nước cho phản hồi tương đối tích cực và tăng trưởng tín dụng là một chỉ dấu thể hiện phản ứng của thị trường. Điểm đáng chú ý là biến động giá vàng cho thấy có thể có chuyển dịch đầu tư vào thị trường này, nhưng nhìn tổng thể vĩ mô thì dường như dòng tín dụng tăng lên đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng, bởi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư chứng khoán vẫn có dấu hiệu ổn định.

Đầu tư công đang là trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cũng như cầu tín dụng

Đầu tư công đang là trụ cột quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cũng như cầu tín dụng

Mỹ đã công bố tạm dừng thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày và giảm thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này. Giả sử việc đàm phán với Chính phủ Mỹ không đạt được mục tiêu đưa thuế suất về mức thấp, nhiều doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp hay gián tiếp từ diễn biến này. Ông dự báo thế nào về dòng chảy tín dụng nếu tình huống này xảy ra?

Trước tiên, chúng ta cần hình dung về cơ chế thương mại. Ví dụ, mức thuế tăng giống nhau, thậm chí không phải cùng một mức thuế mà chênh lệch ít, thì hàng hóa Việt Nam vẫn có thể cạnh tranh được với quốc gia khác nếu mức chênh lệch thuế thấp hơn ưu thế cạnh tranh. Giả sử Mỹ áp đầy đủ mức thuế vừa công bố đối với Việt Nam là 46% và Thái Lan là 34%, mức chênh lệch thuế là 12%, nếu cùng nhóm mặt hàng giống nhau, hàng của Việt Nam có thể có ưu thế giá lên đến 10 - 15% thì vẫn có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan ở Mỹ.

Ngược lại, nếu mức độ cạnh tranh về giá của Việt Nam chỉ ở mức không đáng kể, thì ngay ở mức chênh lệch thuế thấp hơn, Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và cần phải tìm kiếm ưu thế cạnh tranh khác như chất lượng, đa dạng hay thời gian đáp ứng nhanh.

Do vậy, vẫn còn quá sớm để đánh giá chính sách thuế quan sẽ tác động tiêu cực như thế nào đối với hoạt động tín dụng. Trong quý I, doanh nghiệp có thể ưu tiên những đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ, còn các thị trường khác có thể chờ đợi. Bây giờ, nếu các biện pháp thuế quan khiến xuất khẩu sang Mỹ chậm lại, doanh nghiệp vẫn có thể tiếp tục sản xuất phục vụ các đơn hàng cho thị trường ngoài Mỹ, duy trì hoạt động bình thường. Trong khi đó, như tôi cũng đề cập ở trên, các hãng nhập khẩu ở Mỹ đã tích trữ hàng hoá từ “front loading”, vẫn có hàng để bán mà chưa cần phải nhập khẩu ngay. Hay nói cách khác, họ đã tích trữ hàng trước ngày Mỹ công bố chính sách thuế quan, do đó, họ có thể tạm dừng mua hàng, đợi xem chính sách thuế sẽ diễn biến như thế nào rồi tính toán tiếp.

Điều này cũng thể hiện trong chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI). Từ tháng 12/2024, chỉ số PMI đã giảm, báo hiệu sản xuất chậm lại, tăng nhẹ trong tháng 3 nhưng thời gian ngắn sắp tới có thể sẽ giảm xuống mức thấp bởi có ít đơn hàng mới. Khi nào bán được hết hàng tồn kho, các hãng nhập khẩu phải mua với giá mới điều chỉnh theo mức thuế mới và chỉ thực hiện được khi đã có dữ liệu rõ ràng để có thể đánh giá được.

Ở góc độ của nhà sản xuất phục vụ xuất khẩu vào thị trường Mỹ, như đã đề cập, chính sách thuế quan chưa rõ ràng có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài tạm dừng hoạt động đầu tư để chờ đợi các chính sách rõ ràng hơn. Song điều này không đồng nghĩa với việc sẽ không đầu tư nữa, bởi có những lợi thế cạnh tranh khác khi đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, cũng chưa đánh giá được hoạt động đầu tư có thể dừng đến đâu và như thế nào. Chính sách thuế quan của Mỹ trong ngắn hạn chưa chắc đã khiến doanh nghiệp “đứng im”, nên dòng tín dụng tín dụng vẫn có thể chảy tốt để hỗ trợ kinh tế nội địa vận hành.

Câu chuyện hay được đề cập đến trong ngành ngân hàng là chất lượng tín dụng cần ưu tiên hơn số lượng tín dụng. Với bối cảnh hiện nay, theo ông, nên ưu tiên vế nào?

Chất lượng tín dụng luôn phải đặt lên hàng đầu, bởi nếu không, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng. Câu chuyện ở đây có lẽ vẫn xoay quanh quan ngại chính sách thuế quan của Mỹ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng tín dụng có thể phát triển theo hướng kích cầu nội địa. Trong trường hợp triển khai đầu tư công, chi tiêu công, các dịch vụ công vận hành tốt, tín dụng vẫn có khả năng tăng trưởng tốt. Nói cách khác, nếu nhu cầu nội địa tăng trưởng thì tín dụng vẫn tăng trưởng được, chứ không nhất thiết phụ thuộc vào xuất khẩu. Xuất khẩu chỉ là một nguồn cầu tín dụng.

Tôi muốn nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng chủ yếu sẽ vẫn phụ thuộc vào cầu tín dụng của doanh nghiệp ở trong nước. Số liệu công bố của Cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2025 ước tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn kỳ vọng.

Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng 12% doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vào năm 2025. Tuy nhiên, 67.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động trong hai tháng đầu năm 2025, tăng 7% so với năm ngoái, phản ánh những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt, bất chấp nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ. Nếu cầu tín dụng trong nước giảm giống như các năm trước mà vẫn ép tín dụng tăng, lúc đó tín dụng có thể dồn vào các kênh tài sản đầu tư và có thể tạo ra rủi ro bong bóng.

Theo ông, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới nên như thế nào?

Ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ, tôi nghĩ lãi suất tại thời điểm này sẽ không có nhiều biến động. Có nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất từ nay đến cuối năm có thể tăng lên, chứ không phải giảm xuống, nhưng tôi cho rằng, lãi suất hiện nay đang ở mức phù hợp. Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất trong cả năm 2024 là hợp lý và cho đến hiện tại cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy cần phải tăng lãi suất lên. Nhìn tổng thể, lãi suất điều hành nhiều khả năng sẽ vẫn giữ nguyên.

Bên cạnh lãi suất điều hành, lãi suất thị trường cũng biến động theo các yếu tố khác. Lãi suất thị trường ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thanh khoản của thị trường. Cơ quan quản lý đã điều chỉnh thanh khoản qua thị trường liên ngân hàng. Thời gian qua, thị trường liên ngân hàng cũng cho thấy tương đối ổn định. Có thể nói, chính sách tiền tệ bây giờ đang cân bằng, ổn định ở mức phù hợp. Mở rộng chính sách tiền tệ hơn nữa thì khó, nhưng thắt chặt hơn cũng chưa cần. Điều quan trọng hiện nay là phối hợp chính sách tiền tệ hiện tại với các biện pháp chính sách tài khoá mạnh mẽ mới để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng tín dụng đạt 16% để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế cần được cấp vốn và tín dụng trên cả thị trường vốn và qua hệ thống ngân hàng. Nếu nhìn hệ thống ngân hàng nói riêng, tăng trưởng tín dụng gắn liền với cầu tín dụng của nền kinh tế thực sẽ phát triển lành mạnh hơn, tránh tạo ra áp lực lạm phát hay gia tăng các khoản nợ xấu. Không gian chính sách sắp tới của Việt Nam nằm ở tài khóa và đây là thông điệp rất quan trọng của ADB.

Tin bài liên quan