Tháng 1/2024, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán

Tháng 1/2024, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán

Kích cầu để thúc tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Kích cầu tiêu dùng và đầu tư là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Khó khăn vẫn chực chờ

Dù các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2023 tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế, nhưng thực tế thì khó khăn vẫn chực chờ và một trong những khó khăn lớn nhất là sức mua của thị trường (bao gồm cả thị trường trong nước và nước ngoài) vẫn còn yếu.

Có một điểm sáng của nền kinh tế, đó là Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 chỉ tăng 0,31% so với tháng trước. Điều này chứng tỏ lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy vậy, tháng Một là tháng có Tết Dương lịch và cũng cận kề Tết Nguyên đán, việc CPI tăng 0,31% cho thấy, sức mua của thị trường dù đã có cải thiện, nhưng vẫn đang ở mức thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2024, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524.100 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng khá cao, song vẫn thấp hơn mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá cả, thì mức tăng là 5,8%, cũng thấp hơn con số 9,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Có thể là khập khiễng khi so sánh, bởi tháng 1/2023 có tới 2 kỳ nghỉ Tết, cả Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nên sức mua tăng mạnh, song xu hướng chung hiện nay, người dân vẫn đang thận trọng trong chi tiêu, do lo ngại kinh tế khó khăn. Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cầu tiêu dùng trong nước dịp cận Tết dù tăng khá (1,6%) so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay (3,5%).

Trong một báo cáo nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN năm 2023, được Ngân hàng UOB công bố vào tháng 11/2023, thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá lạc quan, với 76% số người được hỏi kỳ vọng rằng, tình hình tài chính cá nhân sẽ tốt hơn vào tháng 6/2024, cao hơn con số 74% của Indonesia và 68% của Thái Lan. Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn có nhiều e ngại về tài chính và thận trọng trong chi tiêu.

Cụ thể, theo ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân (Ngân hàng UOB Việt Nam), cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam, thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính của mình. Càng lo lắng về tài chính bao nhiêu, người tiêu dùng lại càng thận trọng hơn trong vấn đề chi tiêu và đầu tư bấy nhiêu.

Sự thận trọng của người tiêu dùng khiến sức mua của nền kinh tế chưa được như kỳ vọng và điều này sẽ ảnh hưởng đến động lực sản xuất - kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Vấn đề không chỉ là thị trường trong nước, mà cả thị trường ngoài nước cũng được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Bộ Công thương, các cuộc xung đột ở Nga - Ukraine, Israel - Hamas, đặc biệt là xung đột ở Biển Đỏ mới đây có thể sẽ ảnh hưởng đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Không chỉ là sức mua yếu, mà còn là vấn đề vận tải khó khăn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu tháng 1/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,78 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 15,08 tỷ USD, tuy tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2023 có 2 kỳ nghỉ Tết, nên kim ngạch xuất khẩu thấp hơn - PV), nhưng lại giảm 7,5% so vời nửa cuối tháng 12/2023.

Xuất khẩu vẫn chưa thể sớm phục hồi mạnh. Ngân hàng HSBC trong báo cáo hồi đầu năm 2024 cũng cho rằng, tín hiệu phục hồi xuất khẩu chưa diễn ra trên diện rộng, mà chủ yếu do chu kỳ công nghệ tươi sáng hơn. Bởi vậy, HSBC giữ quan điểm dự báo thận trọng về mức độ hồi phục của xuất khẩu năm nay.

Kích cầu để thúc tăng trưởng

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, khi sức mua của thị trường trong nước chưa phục hồi, sức mua của thị trường nước ngoài vẫn yếu, khiến khu vực doanh nghiệp gặp khó. Đó cũng là lý do mà chỉ trong tháng đầu năm 2024, đã có 53.900 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm tích cực là theo Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI), do S&P Global vừa công bố, chỉ số PMI tháng 1/2024 của Việt Nam đã tăng lên mức 50,3 điểm so với mức mức 48,9 điểm của tháng 12/2023. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng.

Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…, kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA đã ký kết, đẩy nhanh việc ký kết các FTA đang đàm phán và nghiên cứu các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

“Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực”, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nói.

Tuy vậy, theo ông này, các mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và không đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng. Lượng công việc tồn đọng tiếp tục tăng do công suất hoạt động của ngành không tăng.

Tình hình phía trước vẫn còn khó khăn. Kết quả khảo sát gần đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đối diện với những khó khăn về đơn hàng, dòng tiền, thủ tục hành chính và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Bởi vậy, vấn đề hiện nay không chỉ là tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, mà còn là phải tiếp tục kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng.

“Sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp còn chậm phục hồi do các thị trường xuất khẩu lớn, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói như vậy và nhấn mạnh con số gần 53.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng đầu năm.

Theo Bộ trưởng, điều này phản ánh khó khăn, thách thức của doanh nghiệp còn lớn; tiếp cận vốn cũng còn còn gặp nhiều khó khăn, khi mà dư nợ tín dụng đến ngày 18/1 giảm 1,52% so với cuối năm 2023…

Các báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đều chỉ ra rằng, sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước. Cả hai định chế này đều khuyến nghị, Việt Nam nên tiếp tục thực hiện các chính sách để phục hồi kinh tế, bao gồm cả thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

Quốc hội hồi cuối năm 2023 cũng đã thông qua việc tiếp tục giảm thuế VAT, đồng thời cho phép kéo dài thực hiện gói đầu tư phát triển thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sang năm 2024. Điều này, theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, có ý nghĩa rất quan trọng.

“Chúng ta không chỉ kích cầu đầu tư, mà phải kích cầu cả tiêu dùng nội địa bằng nhiều cách, trong đó có việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng. Đầu tư tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, song nếu tiêu dùng yếu, thì kích cầu đầu tư sẽ giảm hiệu quả”, ông Cường nói.

“Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…, kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tận dụng các cam kết tại các FTA đã ký kết, đẩy nhanh việc ký kết các FTA đang đàm phán và nghiên cứu các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tất nhiên, bên cạnh đó, rất quan trọng là phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kích cầu đầu tư là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay, khi mà nguồn lực có sẵn và mọi giải pháp là ở trong tầm tay, chứ không phụ thuộc vào bên ngoài như thúc đẩy xuất khẩu.

Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2024, diễn ra ngày hôm qua (1/2), tính đến cuối tháng 1/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt hơn 662.588 tỷ đồng, đạt 93,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (91,42%) về số tương đối, và cao hơn khoảng 132.000 tỷ đồng về số tuyệt đối.

Để vốn đầu tư công có thể giải ngân ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, căn cứ dự toán được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ ngay từ đầu tháng 12/2023 đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền trên 677.349 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Và đến nay, các bộ ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết được hơn 631.812 tỷ đồng, đạt 96,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một tỷ lệ tích cực, cho thấy sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương.

Trong khi đó, vốn giải ngân, trong tháng đầu năm ước đạt trên 16.934 tỷ đồng, bằng 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (1,81%). Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do trong tháng 1/2024, các bộ ngành, địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn, nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Tuy nhiên, xu hướng đang là tích cực. Nếu quan tâm thúc đẩy giải ngân từ sớm, từ xa, đạt kết quả cao, thì sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan