Kích cầu bằng thúc đẩy đầu tư công

Kích cầu bằng thúc đẩy đầu tư công

(ĐTCK) Giải pháp này được kỳ vọng sẽ là lực đẩy lớn cho nền kinh tế trong bối cảnh các nguồn lực khác đang hạn hẹp, đồng thời cần vốn mồi để thúc đẩy, tạo lan tỏa trong các ngành sản xuất.

Các dự án được giới chuyên gia đề cập đến như những gợi ý cho các nhà làm chính sách bao gồm đường cao tốc Bắc Nam (vốn đầu tư công 55.000 tỷ đồng), sân bay Long Thành (23.000 tỷ đồng); đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận (Cần Thơ)… Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2019, còn hơn 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được giải ngân, năm 2020 ngân sách dành cho đầu tư công là hơn 500.000 tỷ đồng. Đây chính là nguồn lực rất lớn cần thúc đẩy sớm để tạo ra tác động lan tỏa trong nền kinh tế.

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, vai trò phối hợp chặt chẽ và sự chủ động của các bộ, ngành trong công tác tham mưu là vô cùng quan trọng. Một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này lấy ví dụ, dự án Cầu Mỹ Thuận (Cần Thơ) đang tiến hành lập hồ sơ mời thầu, lần đầu tiên áp dụng đấu thầu cho nhà thầu trong nước. Hồ sơ mời thầu giờ mới lấy ý kiến các bộ, nếu theo đúng quy trình và tiến độ phải rất lâu, có khi mất tới cả năm mới có thể bắt đầu triển khai xây dựng cầu này. Tuy nhiên, nếu tập trung đẩy nhanh tiến độ, chỉ trong quý II năm nay, Bộ Giao thông - Vận tải có thể khởi công được.

Hay dự án Đường cao tốc Bắc Nam có 11 đoạn, trong đó có 3 dự án sử dụng ngân sách, 8 dự án thành phần BOT. Trong số các dự án BOT, 5 đoạn hiện đang sơ tuyển nhà thầu, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia như  Cienco 6, Vinaconex, Đèo Cả...  Công tác sơ tuyển đến nay đã chậm 3 tháng so với kế hoạch, dự kiến tận tháng 11, Bộ Giao thông - Vận tải mới hoàn thành thẩm định kết quả nhà thầu.

“Những việc như vậy liệu có tập trung để thúc đẩy nhanh hơn được hay không?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.

Bên cạnh các dự án mới khởi công, việc đưa các dự án, công trình dở dang sớm hoàn thành, khai thác cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Một dự án có nhiều tiềm năng, nhưng đang bế tắc được nhắc đến trong nhiều cuộc họp của các bộ, ngành và doanh nghiệp gần đây là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự án gồm hai tổ máy, tổng công suất thiết kế 1.200 MW, thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách của Thủ tướng Chính phủ. Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi than phun trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên, sử dụng than cám 5, lượng than tiêu thụ hàng năm khoảng 3 - 3,5 triệu tấn. Khi vận hành, Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,7 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đến thời điểm cuối tháng 11/2019, theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tiến độ tổng thể của nhà máy này đạt 84,2%, trong đó thiết kế đạt 99,6%; ký các hợp đồng mua sắm đạt 99,71%; gia công, chế tạo và vận chuyển đạt 93,89%; thi công đạt 82,2%, chạy thử đạt 3,6%.

Tuy nhiên, hiện nay, dự án trên gần như đứng yên bởi khó khăn trong công tác thu xếp vốn. PVN đã nhiều lần đề xuất với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Chính phủ để tháo gỡ cơ chế tài chính cho dự án, cho phép sử dụng vốn chủ sở hữu vượt tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn của dự án.

Mặc dù đã được các bộ, ngành cơ bản đồng thuận, nhưng đến nay, các cấp có thẩm quyền vẫn chưa có quyết sách cuối cùng. Đây đang là vấn đề sống còn để đưa dự án đi vào vận hành vào năm 2020 để đạt được mục tiêu phát điện thương mại tổ máy số 1 vào tháng 12/2020 và tổ máy số 2 vào quý I/2021 như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019.

Trong khi đó, cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia mới đây cho thấy, năm 2020, tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện được dự báo là thấp nhất trong vòng 30 năm, tình hình cung cấp nhiên liệu khí và than vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó việc vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn và đảm bảo cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài tăng sản lượng điện phát từ các nhà máy nhiệt điện than, EVN xin được đẩy nhanh, tăng công suất nhập khẩu điện từ các nước lân cận.

“Muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, các giải pháp cần phải đặc biệt và khác biệt. Nếu vẫn đều đều tuân thủ các trình tự thủ tục như hiện nay, thì khó có tăng trưởng GDP 6,8% cho năm 2020”, ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khuyến nghị.

Tin bài liên quan