Chất xúc tác từ nhà đầu tư cá nhân
Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 9 với chủ đề: Hành động trong mắt bão do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều 23/6, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận xét, VN-Index đã bật lên 1.188 điểm, nếu nhìn mức giảm, thị trường chỉ giảm 9%.
Theo thống kê của SHS, trong thời gian qua, 60% cổ phiếu giảm điểm, cao hơn mức giảm của VN-Index. Trong số này, hơn một nửa cổ phiếu giảm trên 20%, nhiều cổ phiếu giảm trên 30%. Ông Hiển đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, thị trường chịu tác động bởi các yếu tố thông tin không tích cực, đặc biệt lạm phát của Mỹ tăng cao ở vùng đỉnh, Fed quyết định tăng lãi suất 0,75% rất mạnh - làm hỗn loạn thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam.
Thứ hai, khá trùng hợp là mốc 1.300 điểm chúng ta kỳ vọng vượt qua được, thì đúng giai đoạn đó, thị trường gặp tin tức kém tích cực.
“Vì vậy, cộng cả hai yếu tố khiến thị trường có một đợt giảm giá, tuy nhiên ở các cổ phiếu có thể có áp lực bán hạ margin của các nhà đầu tư”, ông Hiển nhận xét.
Một yếu tố khác, trong hai năm gần đây, lượng nhà đầu tư tham gia thị trường lớn. Năm 2021 số lượng tài khoản nhà đầu tư tăng trên 50% (năm 2020 có 2,7 triệu tài khoản, 2022 là 4,3 triệu tài khoản và hết tháng 5/2022 có đến 5,7 triệu tài khoản - vượt mục tiêu số tài khoản trên số dân vào năm 2025 là 5%).
Trong số này, ông Hiển đánh giá số lượng nhà đầu tư cá nhân rất nhiều và đây là đối tượng hoạt động rất mạnh trên thị trường hai năm qua. Sự hoạt động mạnh của họ là tác nhân giúp thị trường đi lên bất chấp khối ngoại có 2 năm rút vốn mạnh (năm 2021 là mức kỷ lục). Do đó, nhà đầu tư chịu nhiều tác động tâm lý dẫn đến làn sóng bán tháo mà không quan tâm đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp hay triển vọng kinh tế.
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích CTCK SHS chia sẻ tại Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9 chiều 23/6. Ảnh: Chí Cường |
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) cũng nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam có đến 90% là nhà đầu tư cá nhân. So với các thị trường khác trong khu vực như Đài Loan, tỷ lệ này chỉ ở mức 50 - 60%, dẫn đến biến động của thị trường có thể xảy ra ngay cả trong điều kiện bình thường, không cần phải có các sự kiện tác động.
Dưới góc nhìn của quỹ đầu tư, bà Phương cho rằng việc thị trường điều chỉnh có hai yếu tố. Đầu tiên, trong 3 tháng đầu năm thị trường đi ngang và nhiều cổ phiếu có hiệu suất rất tốt, nhưng nhìn lại 2021, khi VESAF giải ngân nhận thấy có nhiều cổ phiếu nhỏ, rất nhỏ không có yếu tố cơ bản hỗ trợ mà vẫn tăng giá rất nhiều và VESAF nhận thấy đó là tâm lý hưng phấn quá đà.
“Nhưng, nhìn thấy làn sóng hưng phấn như vậy, chúng tôi cho rằng cần có sự điều chỉnh là cần thiết và lành mạnh. Thậm chí, có lúc thị trường giảm 1 chút thì dòng tiền đi vào rất tốt”, bà Phương phân tích.
Bên cạnh đó, khi có những sự kiện bất ngờ xảy ra khiến tâm lý nhà đầu tư rất sốc, giống như đang nhìn mọi thứ từ màu hồng thành xám xịt, u tối nên điều này sẽ lý giải được tâm lý của nhà đầu tư.
Định giá đã hấp dẫn
Nếu nhìn vùng định giá cả trong quá khứ đến mức chiết khấu so với khu vực, bà Phương cho rằng, thị trường đang ở vùng định giá rất rẻ và đang thấy có sự quay lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trên thị trường đang có nhiều yếu tố khó có thể dự báo, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng và cần thiết phải quản lý rủi ro cho danh mục của mình.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) chia sẻ tại Talkshow Chọn Danh mục kỳ 9 ngày 23/6 |
Theo phân tích của ông Hiển, chỉ số P/E toàn thị trường ngày 22/6 khoảng 13 lần, ngày 23/6 có lẽ cao hơn. Tuy nhiên, P/E trung bình 5 năm gần đây khoảng 16,5 lần, còn 10 năm gần đây ở mức 15 lần, nên P/E mức này là thấp. Trong khi đó, nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam, các tổ chức đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6%, hơn nữa với dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15% và trong quý I tổng lợi nhuận niêm yết tăng 30%.
Nếu năm nay, dự báo tăng trưởng doanh nghiệp là 15% thì P/E forward khoảng 11,7 lần. So với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia PE forward khoảng 15 -16 lần, thì hệ số PE forward của Việt Nam là 11,7 lần - mức thấp và khá hấp dẫn.
Về lo ngại thị trường có thể quay về mốc 950 điểm như những dự báo trước đó, ông Ngô Thế Hiển cho rằng, VN-Index sẽ có một số mốc hỗ trợ bên dưới như chỉ số giảm qua mốc 1.150 điểm, mốc hỗ trợ gần nhất là 1.130 điểm, dưới nữa là 1.080 điểm. Còn kịch bản VN-Index về mốc 950 điểm theo chuyên gia là khó xảy ra.
“Tất nhiên là chuyện gì cũng có thể xảy ra nhưng nếu ở bên ngoài và trong nước chứng kiến biến động hay tin tức đặc biệt xấu thì có thể về vùng đó”, ông Hiển nói.