Trong khi tâm lý của giới đầu tư ít có thay đổi khi thị trường dần bước vào tuần nghỉ lễ Giáng Sinh và năm mới. Giá kim loại quý này được dự báo sẽ giao dịch trong biên độ 1.050 - 1.080 USD/ounce trong những ngày cuối cùng của năm.
Mặt khác, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực sau động thái nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều khả năng sẽ có biến động nhẹ vào đầu năm 2016.
Vàng chật vật tìm lối thoát
Cuối tuần trước, nhờ một số đơn đặt hàng và lực mua kỹ thuật, giá vàng đã bật tăng nhẹ trở lại sau một thời gian dài chịu sức ép từ việc Fed tiến hành nâng lãi suất. Tuy nhiên, giá vàng vẫn giảm 0,72% trong hai tuần liên tiếp vừa qua.
Sang tuần mới, giá vàng duy trì được đà tăng nhẹ, dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, kim loại quý này sẽ chịu áp lực giảm giá không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn. Nguyên nhân là bởi Fed tăng lãi suất sẽ tác động tích cực lên đồng bạc xanh, tạo áp lực khiến giá vàng giảm.
Dù đang trong giai đoạn chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ giáng sinh, thị trường vàng vẫn có những yếu tố tích cực. Theo PNJ, điểm tích cực này đến từ lực mua bù cho các lệnh bán khống trước đó đã đẩy vàng thoát khỏi mốc 1.068 USD/ounce lên trên 1.076 USD/ounce và đồng USD suy yếu trong 2 phiên giao dịch liên tiếp gần đây.
Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong khi giá dầu thô lao dốc, chạm mức thấp nhất trong 11 năm qua, đã kiềm chế đà tăng của kim loại quý này. Đồng thời, giới phân tích cho rằng, thanh khoản trên thị trường dự kiến sẽ giảm xuống do thị trường đang bước vào 2 tuần nghỉ lễ.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), một khi Fed tăng lãi suất, USD sẽ được hỗ trợ tích cực, khiến vàng chịu áp lực lớn. Đồng thời, khi USD tăng giá, không chỉ vàng mà các hàng hóa khác cũng sẽ giảm giá, do nhà đầu tư sẽ “buông” các công cụ đầu tư khác để trở lại với USD.
Ông Hải đưa ra dự báo, vàng sẽ khó bỏ xa mốc hơn 1.000 USD/ounce hiện nay và khả năng sẽ còn chịu sức ép giảm giá lớn trong thời gian tới nếu Fed tăng dần lãi suất.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, điều đó không có nghĩa là vàng sẽ giảm sâu so với cột mốc trên và tất cả nhà đầu tư sẽ buông vàng. Ngược lại, vàng vẫn được xem là một công cụ bảo toàn vốn mà nhiều người lựa chọn. Đối với người dân, nhất là ở khu vực châu Á, thói quen giữ vàng khó bị xóa bỏ nên họ sẽ tìm cơ hội mua vào khi vàng giảm. Tuy nhiên, trước mắt, các nhà đầu tư cần tính toán khi “rót” vốn vào vàng.
Theo ghi nhận của Công ty PNJ, thị trường vàng trong nước những phiên giao dịch vừa qua khá trầm lắng. Trong khi thị trường thế giới đã có những phiên giao dịch tăng thì giá mua - bán trên thị trường nội địa vẫn duy trì dao động với biên độ nhỏ. Chính điều này khiến cho mức chênh lệch giá giữa thị trường vàng trong nước và thế giới đang thu hẹp dần và tiến về mức 4 triệu đồng/lượng vào ngày hôm qua.
Cuối ngày 22/12, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 32,81 – 33,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng miếng PNJ được niêm yết ở mức 30,15 - 30.50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho rằng, giá vàng thế giới không còn nhiều lực đỡ như những năm trước đây, nhất là khi Fed đã nâng lãi suất và đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng dần.
Tuy nhiên, giá vàng được đánh giá khó có thể rơi khỏi mốc 1.000 USD/ounce, vì đây là giá vốn sản xuất. Nếu giá vàng thực sự xuống dưới mức này, các nhà sản xuất sẽ tính toán lại có nên cung ứng lượng hàng lớn ra thị trường hay không? Vàng đã có chuỗi giảm điểm trong thời gian qua, nhưng rất khó có thể xuống mức nói trên, kể cả khi các nhà đầu tư, đầu cơ bán tháo vàng.
VND có thể phá giá khoảng 3-4% trong năm 2016?
Trước động thái tăng lãi suất của Fed, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tỷ giá trong mấy ngày gần đây có biến động nhẹ là do yếu tố tâm lý, còn mối quan ngại Fed nâng lãi suất đã được phản ánh trong diễn biến tỷ giá từ trước. T
heo lãnh đạo NHNN, bức tranh thị trường tài chính hiện nay đã khác trước. Nếu như năm 2011, tỷ giá VND/USD thường xuyên biến động, vàng lên cơn sốt, thì hiện nay biến động tỷ giá đã được kiểm soát, chống được vàng hóa và thị trường ngoại tệ ổn định.
Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, phương châm của cơ quan điều hành xuyên suốt thời gian qua và sắp tới là kết hợp tỷ giá và lãi suất nhằm nâng cao lợi tức nắm giữ của VND. Mặt khác, quan ngại về việc Fed thay đổi chính sách tiền tệ gần như đã được thể hiện trong diễn biến tăng tỷ giá từ cuối năm 2014 và đầu 2015.
Tuy nhiên, sau khi Fed tăng lãi suất, tỷ giá chịu áp lực lớn hơn, cho dù thị trường đã dự đoán được từ rất lâu việc Fed thay đổi chính sách tiền tệ. TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, động thái nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần thập kỷ qua của Fed khiến việc đầu cơ đồng bạc xanh hấp dẫn trở lại. Theo đó, mức lãi suất mới mà Mỹ áp dụng sẽ dao động từ 0,25% - 0,5%/năm. Việc Fed tiếp tục điều chỉnh nâng lãi suất cũng được các chuyên gia trong nước dự báo từ khá lâu trước đó và cho rằng, sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD tại Việt Nam.
CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo, trong năm 2016, VND có thể phá giá khoảng 3-4%. Trong trường hợp tỷ giá biến động mạnh hơn và gây áp lực lớn lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng thì yếu tố này có thể gián tiếp khiến lãi suất điều hành tăng nhanh và nhiều hơn so với kỳ vọng.
Vì vậy, cân nhắc những yếu tố quan trọng có thể khả năng tác động đến diễn biến lãi suất, VDSC cho rằng, năm 2016 lãi suất sẽ đi theo một chu kỳ mới. Lãi suất của nền kinh tế sẽ có xu hướng nhích nhẹ dần lên từ quý III/2016 đến cuối năm với mức tăng kỳ vọng của lãi suất điều hành từ 0,25 - 0,5%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - kinh tế, NHNN chưa cần phải điều chỉnh ngay lập tức thị trường ngoại tệ mà nên nghe ngóng thị trường của các nước trên thế giới, tất nhiên là không thể làm chậm vì dòng tiền có thể bị hút hết về phía Mỹ.
Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá rất vì giá trị và nhu cầu đối với đồng USD sẽ tăng lên, nhất là vào thời điểm cuối năm.