Kịch bản kinh tế 2020: Động lực vượt lên, bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 2/3 chặng đường của năm đã qua đi, và như thông lệ, đây là thời điểm “kịch bản” kinh tế của năm được khắc họa khá rõ nét. Năm nay cũng vậy.
Kịch bản kém vui của nền kinh tế năm 2020 cần trở thành động lực để chúng ta nỗ lực vượt lên.

Kịch bản kém vui của nền kinh tế năm 2020 cần trở thành động lực để chúng ta nỗ lực vượt lên.

Nhưng khi kịch bản kinh tế gần như “áp chót” của năm được công bố, có một nỗi buồn lo không nhỏ.

Lý do là trong 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chỉ có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Có nghĩa vẫn còn 5 chỉ tiêu khác không đạt, trong số đó có chỉ tiêu quan trọng về tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế năm 2020, như trong kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật và báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020, có thể sẽ chỉ đạt khoảng 2% trong năm nay. Thậm chí, trong phương án thấp, con số có thể sẽ chỉ là 1,69%, còn phương án cao là 2,12%.

Con số 2%, muốn đạt được, phải có những giải pháp mạnh mẽ về tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội. Muốn tăng trưởng dương, cũng phải rất nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công, tăng cường xuất khẩu, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư…

Một cách khá rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm và suy thoái khá sâu, thì việc kinh tế Việt Nam không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương là điều đáng ghi nhận.

Con số tăng trưởng, dù có thể chỉ là 2%, cũng cho thấy rất rõ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong điều hành để thực hiện mục tiêu kép là vừa ngăn chặn, phòng chống dịch, vừa duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Vì thế, việc vẫn có 7 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra là điều đáng mừng, dù vẫn có một nỗi buồn không nhỏ, nhất là khi so sánh với các thành tựu đạt được của hai năm 2018-2019.

Buồn vì điều đó có nghĩa, kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 - 2020 bị ảnh hưởng. Hơn thế, chúng ta sẽ bước vào năm 2021, năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 tới mà thiếu vắng đi các nền tảng tăng trưởng và phát triển vững vàng. Điều đó cũng đồng nghĩa, muốn phục hồi tăng trưởng kinh tế, muốn tăng tốc và vượt lên, bứt phá, chúng ta phải chạy nhanh hơn và nỗ lực hơn gấp bội.

Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả các kịch bản kinh tế, đảo lộn mọi dự báo, cũng sẽ làm thay đổi cả cấu trúc kinh tế toàn cầu. Nhưng trong nguy luôn có cơ. Khi cấu trúc kinh tế toàn cầu thay đổi, cơ hội sẽ dành cho các nước sớm vượt qua đại dịch Covid-19, sớm có các giải pháp để phục hồi kinh tế, sớm có các chiến lược và kế hoạch bài bản, có tầm nhìn xa để ngay lập tức có thể tham gia vào “cuộc chơi mới”: thế giới hậu Covid-19. Việt Nam có nhiều cơ hội hơn bất cứ quốc gia nào khác trong cuộc chơi mới này.

Bởi thế, kịch bản kém vui của nền kinh tế năm 2020 cần trở thành động lực để chúng ta nỗ lực vượt lên. Thủ tướng Chính phủ, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2020, đã nhấn mạnh việc phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Điều này không phải bây giờ mới được nhắc đến, nhưng “nỗi buồn Covid-19” đã và cần trở thành chất xúc tác để chúng ta nỗ lực nhiều hơn.

Tất nhiên, cùng với việc chuẩn bị cho dài hạn, thì cũng cần giải một cách tốt nhất bài toán ngắn hạn của nền kinh tế. Vẫn còn 4 tháng để nỗ lực, để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ ba động lực tăng trưởng chủ yếu, gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa kiên quyết phòng, chống Covid-19, vừa tranh thủ cơ hội, phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó tăng trưởng cả năm đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%, cũng là điều cần quyết liệt thực hiện.

Không thể để “nỗi buồn” Covid-19 ảnh hưởng lớn và kéo quá dài đối với nền kinh tế. Tất cả phụ thuộc vào nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Tin bài liên quan