Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết, kịch bản trên có tính tới dự báo xu thế tăng trưởng của các nền kinh tế lớn cũng như kỳ vọng chung về bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình phát triển kinh tế trong nước.
Theo đó, kinh tế vĩ mô trong năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố. Trước hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại (và mức độ thực chất của kết quả, nếu có) giữa hai bên.
“Việt Nam không nên quá lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, bởi cả hai đều biết cạnh tranh quyền lực không chỉ nằm ở vấn đề thương mại”, ông Dương nói.
Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, chiến tranh thương mại có vẻ đang tạm ngưng, Mỹ nói có lạc quan, thị trường có vẻ lạc quan hơn, nhưng nhìn sâu xa, vấn đề thâm hụt thương mại Mỹ và Trung Quốc vẫn còn rất lớn, với giá trị trên 344 tỷ USD, trong khi những vấn để cơ bản giữa hai nước chưa được giải quyết triệt để. Trong bối cảnh này, cần quản lý tốt dòng vốn nước ngoài vào - ra Việt Nam.
“Giai đoạn 2007 - 2008, dòng vốn vào nhiều nhưng Việt Nam không hấp thụ hết”, ông Cung cho biết.
Bên cạnh đó, yếu tố tác động khác là rủi ro suy thoái ở các nền kinh tế chủ chốt có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh này, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn.
Đánh giá về động lực tăng trưởng đến từ các ngành trong năm 2019, ông Cung cho rằng, ngành chế biến, chế tạo, vốn là động lực tăng trưởng chủ chốt giúp đẩy mạnh tốc độ tăng GDP những năm gần đây, trong năm nay có cơ hội phát triển, song khó có dư địa tăng tốc, vì đã tới ngưỡng.
Trong khi đó, lĩnh vực logistics ước tính có quy mô 400 tỷ USD cả xuất nhập khẩu và vận chuyển, phân phối. Đây là lĩnh vực rất tiềm năng, có nhiều dư địa để đẩy mạnh tăng trưởng, song hiện nay, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng GDP chưa cao.
Hay lĩnh vực dịch vụ khoa học - công nghệ, kinh tế số, thông tin - truyền thông và giải trí mới đạt mức tăng trưởng 7%, có dư địa gia tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, trong bối cảnh các sản phẩm số hóa sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới.
“Cải cách thể chế cần phải nhắm trực diện vào các ngành đó để hỗ trợ doanh nghiệp, bởi đó là những ngành tiềm năng. Nội địa của nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều chỗ có thể khơi thông, thúc đẩy, tạo động lực để phát triển mạnh. Do đó, cần tìm kiếm động lực cho bứt phá tăng trưởng nhiều hơn ở trong nước, hơn là tìm đâu đó ở nước ngoài”, ông Cung gợi mở.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bằng và cao hơn kịch bản, CIEM khuyến nghị, tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng từ việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, khả năng phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và khả năng kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực, bởi đây là cơ hội tạo thêm sức hút nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Đồng thời, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Ông Lê Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Nội
Rất mong Chính phủ và các bộ, ngành có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân và giải pháp đột phá để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực thực sự quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt, kiến nghị các bộ, ngành sớm sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến quy trình thủ tục cấp phép theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân trong nước có cơ hội tham gia đầu tư vào các dự án quan trọng của đất nước.