Giá dầu biến động tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế là kịch bản mà giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tính đến và đề ra các phương án ứng phó dự phòng.
Theo báo cáo của Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Quốc Khánh, tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của PVN diễn ra cuối tuần qua, năm 2015, các chỉ tiêu cơ bản của Tập đoàn đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, thành tích trên có được là nhờ giá dầu trung bình cả năm ở mức 55 USD/thùng.
Trong thời gian gần đây, giá dầu thế giới đang liên tục lao dốc và hiện dao động quanh ngưỡng 33 USD/thùng. Đáng chú ý, đối với không ít hợp đồng tương lai trên thị trường toàn cầu, giá dầu đã giao dịch ở mức 25 - 27 USD/thùng. Nhiều tổ chức tài chính uy tín đều đưa ra những dự báo tiêu cực đối với giá dầu trong thời gian tới, cụ thể, Goldman Sachs nhận định giá dầu có thể xuống tới mức 20 USD/thùng.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Khánh, dù chưa có con số chính thức nhưng PVN tính toán, nếu giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu Tập đoàn giảm 5,4 nghìn tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước giảm 1,5 nghìn tỷ đồng.
Trong một văn bản trình Chính phủ trước đây, PVN tính toán, nếu giá dầu dao động quanh mức 35 USD/thùng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tập đoàn cả năm chỉ đạt vỏn vẹn 10,1 nghìn tỷ, nếu giá dầu dao động quanh mức 30 USD/thùng, lợi nhuận sẽ là 8,7 nghìn tỷ. Đáng lo ngại là, trong tình hình như hiện nay, PVN chỉ bổ sung vào quỹ đầu tư phát triển được 2.000 tỷ đồng, bằng 1/20 nhu cầu (nhu cầu đầu tư từ vốn chủ sở hữu của PVN năm 2015, 2016 cần 45 - 53 nghìn tỷ đồng/năm).
Bên cạnh đó, PVN còn ở thế khó khi buộc phải giảm sản lượng của các mỏ có giá thành cao hơn giá bán, dẫn đến việc Tập đoàn tiếp tục gánh chịu các chi phí liên quan đến duy trì mỏ và gặp nhiều khó khăn trong việc hủy các hợp đồng dịch vụ đã ký, đồng thời phát sinh thêm chi phí vận hành nếu quay lại khai thác các mỏ này khi giá dầu thô tăng.
Giá dầu sụp đổ khiến hoạt động của các DN ngành dầu khí đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Chẳng hạn, trường hợp của Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP), nếu giá dầu ở mức 35 USD/thùng, tổng thu của DN đạt 1,248 tỷ USD; trong khi tổng chi lên tới 2,874 tỷ USD. Với phương án giá dầu 30 USD/thùng, tổng thu là 1,155 tỷ USD, tổng chi là 2,874 tỷ USD, phần tài chính PVEP phải thu xếp trên thị trường vốn (chủ yếu vay ngân hàng) lên tới xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Việc giá dầu giảm và tỷ giá RUB/USD tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng tới Vietsopetro, khiến phần cổ tức hàng năm mà PVN được hưởng giảm đáng kể. Năm 2015, giá thành khai thác 1 thùng dầu từ các mỏ của Dự án liên doanh khai thác dầu khí Rusvietpetro (RVP) (đã tính đến chi phí Opex, chi phí bán hàng, chi phí quản lý, khấu hao, các loại thuế trừ thuế xuất khẩu dầu) là khoảng 16,93 USD/thùng (tỷ giá là 56,2584 RUB/USD).
Nếu tính cả thuế xuất khẩu dầu, giá thành khai thác 1 thùng dầu từ các mỏ của RVP là 32,68 USD/thùng. Năm 2015, Vietsovpetro đã không đủ khả năng trang trải chi phí hoạt động, dẫn đến mất cân đối tài chính khoảng 230 triệu USD. Đến nay, chỉ tính riêng việc tỷ giá tăng lên mức 76 RUB/USD, liên doanh này sẽ mất cân đối cỡ nào?
Với lĩnh vực dịch vụ dầu khí, tình hình cũng không lấy làm sáng sủa. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn PVN dự báo, lĩnh vực dịch vụ dầu khí sẽ giảm 40%-50% lợi nhuận do các công ty dầu khí gặp nhiều khó khăn, không có vốn đầu tư, tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ. Đặc biệt, như đã đề cập ở trên, thiếu vốn đầu tư phát triển dẫn tới việc PVN sẽ phải xem lại khả năng triển khai các dự án khai thác, tiếp tục kéo ngành dịch vụ đi xuống. Đáng chú ý là áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng khi các đơn vị dịch vụ dầu khí trên thế giới và khu vực sẵn sàng thâm nhập thị trường Việt Nam bằng mọi giá để giảm lỗ, bù đắp khó khăn.
Hiện nay, PVN đang bám sát diễn biến giá dầu năm 2016 để xây dựng các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động của giá dầu từng thời điểm bằng nhiều kịch bản khác nhau. Trong đó, nhiều khả năng, để đảm bảo nguồn tài chính cho đầu tư phát triển của Tập đoàn trong năm 2016 và những năm tiếp theo, PVN đề xuất Chính phủ cho phép đẩy mạnh thoái vốn ở một số đơn vị thành viên, để lại phần thặng dư từ cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp để bù đắp cho quỹ đầu tư phát triển.