Các chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần trợ giúp trực tiếp về thanh khoản cho những ngân hàng có hỗ trợ thiết thực và cụ thể đối với doanh nghiệp gặp khó khăn.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa gửi đến Chính phủ và các bộ ngành Trung ương bản khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch Covid-19.
Tại đây, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, dịch Covid-19 hiện nay đang đặt ra những thách thức chưa từng có tiền lệ và những khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh các khuyến nghị chung về chính sách hỗ trợ và chính sách giải cứu, với từng lĩnh vực, bản khuyến nghị cũng nêu một số giải pháp cụ thể.
Tiếp tục hạ lãi suất điều hành
Ở nhóm giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, theo khuyến nghị thì Ngân hàng Nhà nước cần trợ giúp trực tiếp về thanh khoản cho những ngân hàng có hỗ trợ thiết thực và cụ thể đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, thông qua đó trợ giúp thanh khoản cho hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Cụ thể, xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm từ 0,1 - 0,2% trong 1-2 tháng tới, hoặc xem xét tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng chỉ áp dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp. Nên ưu tiên tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính cấu trúc nhằm hướng tới một hệ thống tiền tệ lành mạnh hơn trong tương lai, chứ không áp dụng dàn trải cho mọi tổ chức tín dụng.
Những “hỗ trợ” về lãi suất, nếu có, chỉ nên giới hạn ở những doanh nghiệp trực tiếp chịu tác động của bệnh dịch theo hướng “giảm lãi” hay “chia sẻ khó khăn” từ ngành ngân hàng, chứ không phải tăng mở rộng tiền tệ hay tín dụng vào nền kinh tế. Cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ đối với các doanh nghiệp tốt, có tiềm năng nhưng bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19.
Bản khuyến nghị cũng chỉ ra rằng, hiện tại, 5 lĩnh vực ưu tiên được hưởng lãi suất trần của Việt Nam chưa có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức nằm trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch hoặc biến đổi khí hậu nên rất cần bổ sung lĩnh vực này.
Tính cả phương án "ngắt mạch" thị trường ngoại hối
Khuyến nghị tiếp theo từ Trường Đại học kinh tế quốc dân là Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường các biện pháp ổn định tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn.
Theo đó, cung cấp thanh khoản quốc tế trong phạm vi cho phép về nguồn lực trên thị trường ngoại hối nội địa, nhằm mục tiêu ổn định tài chính.
Thứ hai, sử dụng quyền tiếp cận đối với các nguồn vốn quốc tế để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, nhằm mục cung cấp vốn xử lý đình trệ và hướng tới thúc đẩy tăng trưởng sau dịch bệnh.
Thứ ba, với kịch bản xấu hơn của nền kinh tế, đình trệ kéo dài từ 2 quý trở lên, các chuyên gia cho rằng có thể tính toán đến phương án phát hành trái phiếu của ngân hàng trung ương để hỗ trợ thanh khoản nội địa và quốc tế của Việt Nam, lên kịch bản cho nền kinh tế vĩ mô nếu mất giá của đồng tiền rơi vào 3 mức 1-3%, 3-5%, và 5-7% để có các phương án thích hợp với chính sách tiền tệ của mình. Đáng chú ý là cực đoan nhất thì chuẩn bị phương án “ngắt mạch” thị trường ngoại hối, cụ thể là sử dụng biện pháp hành chính liên quan đến các giao dịch vãng lai để chỉ cung cấp dịch vụ ngoại hối cho các hoạt động liên quan đến y tế, kinh doanh.
Khuyến nghị dành cho các tổ chức tín dụng là tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới.
Như, phát triển ngay các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp trong các ngành đang có các lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch Covid-19 như: kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt.
Các tổ chức tín dụng cũng được khuyến nghị phát triển các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tác động của Covid-19 như tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Cung cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt được doanh số tiêu thụ thông qua hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ điều tiết thi trường thông qua kênh phân phối trong nước. Các doanh nghiệp có thể đăng ký hạn mức tín dụng hoặc kỳ hạn trước khi hoàn tất việc bán hàng xuất khẩu hoặc trong khi theo đuổi các cơ hội ở nước ngoài, chẳng hạn như xác định một khách hàng mới ở nước ngoài nếu việc bán hàng xuất khẩu bị mất do Covid-19.
Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân còn nêu nhiều kiến nghị cụ thể trong nhóm giải pháp về thuế, hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp và an sinh xã hội và đưa ra một số khuyến nghị với các doanh nghiệp. Báo Đầu tư Online sẽ giới thiệu trong các bài viết sau.